Tóm tắt:
Bài viết phân tích những sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi truyền bá học thuyết Mác - Lê-nin - một học thuyết tiến bộ (nhằm để trang bị lý luận chính trị cho giai cấp công nhân hiện đại với trình độ cao ở châu Âu) vào đội ngũ công nhân Việt Nam (với trình độ rất thấp). Nguyễn Ái Quốc đã thay đổi đối tượng và hình thức truyền bá học thuyết cách mạng này phù hợp với điều kiện và thực tiễn chính trị Việt Nam. Đây chính là cơ sở ra đời Đảng chính trị nhằm lãnh đạo cách mạng dân tộc giành được thắng lợi để ra đời nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Toàn văn:
Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ở Người là đỉnh cao biểu tượng của sự hội tụ, kết tinh giữa con người chính trị và con người nhân văn. Cái chính trị ở Hồ Chí Minh là chính trị vì lợi ích của cộng đồng dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chính điều này đã nâng con người chính trị ở Hồ Chí Minh lên tầm cao văn hóa, nhân văn.
Trong Từ điển Chính trị thế giới nhận định: Hồ Chí Minh là nhà chính trị thực dụng nhất ở thế kỷ XX. Khi được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, Hồ Chí Minh chỉ nhận mình là nhà chính trị chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của Người là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng bào. Nhìn bao quát cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, mọi hoạt động chính trị, quá trình chính trị đều cụ thể, sâu sắc, tinh tế, uyên thâm.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam đã thoái trào, các khuynh hướng cứu nước trên lập trường nông dân, phong kiến, tư sản… đều bế tắc. Việc đòi hỏi phải có một học thuyết chính trị tiến bộ, “hợp thời”, đủ sức lãnh đạo, dẫn dắt thực tiễn chính trị Việt Nam là vấn đề bức thiết đang được đặt ra. Trong hoàn cảnh lịch sử điển hình ấy, sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh là tất yếu, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam.
Người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành đã ra đi để trải nghiệm, kiếm tìm con đường giải phóng cho dân tộc mình. Những giá trị của cuộc Cách mạng Tư sản Pháp khi Người được học ở Quốc học Huế là thiêng liêng và ngưỡng vọng là vậy, nhưng đến nơi chính quốc thì thực tế khác hoàn toàn với những điều đã được học. Trước sự thật phũ phàng đó, Người nhận xét: Cách mạng rồi mà dân vẫn còn khổ, cho nên cuộc cách mạng này phải làm lại.
Và lại một quá trình tìm kiếm những giá trị tiến bộ, Người đã tìm đến học thuyết Mác - Lê-nin qua "Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo. Khi gặp được Luận cương này, Người chăm chú đọc và vui mừng: "Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"". Và ngay sau đó, Người đã đi đến hành động dứt khoát: Ủng hộ Quốc tế 3 (đây cũng là một quyết định rất thực tế của Nguyễn Ái Quốc). Cũng trong bối cảnh này, có nhiều nhân sỹ trí thức Việt Nam yêu nước ở Pháp lúc bấy giờ như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Khánh Ký… nhưng họ không thể rũ bỏ được ý thức hệ tư tưởng cũ để bắt nhịp cùng dòng thác cách mạng vô sản. Từ đây, con đường yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã có “kim chỉ nam”, đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam, vạch đường cho cách mạng Việt Nam từng bước đi lên, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là một sáng tạo của Người.
Khi nhận được nhiệm vụ chính trị quan trọng là về truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, đây quả là một thách thức đối với Nguyễn Ái Quốc. Nếu như ở châu Âu, học thuyết Mác - Lê-nin được truyền bá vào giai cấp công nhân (ở châu Âu, giai cấp công nhân đã có sự phát triển ở trình độ đại công nghiệp cơ khí, với trình độ này họ có khả năng dễ dàng tiếp cập được những nguyên lý cộng sản một cách không khó khăn). Tuy nhiên, đội ngũ giai cấp công nhân ở Việt Nam lúc bấy giờ rất khác ở châu Âu. Giai cấp công nhân Việt Nam số lượng ít, trình độ thấp, phần lớn xuất thân từ nông dân (Việt Nam lúc đó 95% dân số là nông dân, đa số là mù chữ, ít học, không biết chủ nghĩa cộng sản là gì), họ chủ yếu là công nhân đồn điền, công nhân khai thác mỏ. Họ chưa từng gắn với công nghiệp cơ khí, hầu hết là không biết chữ. Với trình độ đội ngũ công nhân như thế này đòi hỏi làm sao có thể tiếp thu được học thuyết Mác - Lê-nin, hơn nữa việc truyền bá tư tưởng chính trị còn diễn ra trong điều kiện bị mật thám lùng sục, bắt bớ.
Nhận thức được khó khăn này, Nguyễn Ái Quốc xác định việc truyền bá học thuyết Mác - Lê-nin vào Việt Nam phải thông qua lực lượng trung gian đó là thanh niên trí thức. Từ đội ngũ thanh niên trí thức này là những người có học, sẽ tiếp thu nhanh chóng học thuyết Mác - Lê-nin trong điều kiện bí mật để từ đó truyền bá vào Việt Nam. Vậy là, vào tháng 12/1924, tại Quảng Châu, trung tâm cách mạng dân tộc của nhân dân Trung Quốc đã diễn ra cuộc hội ngộ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc - người đang khao khát đi tìm lực lượng để “gieo mầm cộng sản” và một tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam đang sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ nhất, tích cực nhất, cách mạng nhất vào chương trình hành động của mình. Cuộc hội ngộ lịch sử đó đã ra đời “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” vào tháng 6/1925 - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nói một cách khác, sự ra đời của “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” là kết quả của sự hội tụ hai khuynh hướng tư tưởng lớn: Tư tưởng giải phóng đất nước khỏi ách đế quốc thực dân và tư tưởng cần phải có một Đảng Mác-xít kiểu mới để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Từ đây, cơ quan ngôn luận của “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” đã ra đời số báo “Thanh niên” đầu tiên ngày 21/6/1925 .
Như vậy, từ năm 1925 đến năm 1927, nhiều thanh niên yêu nước từ khắp các miền đất nước, cả Việt kiều ở Xiêm đã đến Quảng Châu, Trung Quốc dự các lớp huấn luyện chính trị. Tính đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được 10 lớp cho khoảng 250 - 300 người. Đây chính là những hạt giống đỏ được trang bị học thuyết chính trị tiến bộ mà Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Tuyệt đại đa số học viên sau khi học xong được trở về Việt Nam và về Xiêm hoạt động. Họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực và thành lập các tổ chức cách mạng trong nước và Việt kiều ở Xiêm.
Trong điều kiện vô vàn khó khăn dưới sự thống trị của thực dân Pháp, những người được huấn luyện tại Quảng Châu là một phương tiện tuyên truyền sống rất hữu hiệu đối với việc truyền bá học thuyết chính trị Mác - Lê-nin vào quần chúng lao động ở Việt Nam. Từ đội ngũ thanh niên yêu nước này, học thuyết chính trị cách mạng được Việt hóa, cụ thể hóa, đơn giản hóa để phù hợp với trình độ dân trí (còn quá thấp) trong nước.
Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu được tập hợp thành cuốn “Đường kách mệnh”. Đây là tài liệu, đường lối cách mạng cơ bản đã được Nguyễn Ái Quốc sáng tạo cho phù hợp với trình độ người Việt. “Đường kách mệnh” chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu với đồng bào, Người đã viết: ''Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?” . Và để rồi đạt tới đích cao hơn là ''Đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”.
Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững thực chất học thuyết chính trị và thực tiễn cách mạng trong nước để Người biến những vấn đề hết sức phức tạp của học thuyết Mác - Lê-nin (không chỉ phức tạp về nội dung và cả trong sự trình bày - khi gặp học thuyết Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã nói đây là học thuyết ở châu Âu mà châu Âu không phải là cả thế giới) thành những vấn đề vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với một đất nước nông nghiệp lạc hậu, xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
Trong cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” nhận định: “Đường kách mệnh” là cuốn sách “phác thảo đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc” và chỉ ra nội dung gồm 6 vấn đề: Một là, chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích của đại đa số dân chúng; Hai là mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam; Ba là, về lực lượng cách mạng; Bốn là, về phương pháp cách mạng; Năm là, đoàn kết quốc tế; Sáu là, cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng. Từ việc phân tích 6 nội dung trên, các tác giả cuốn sách tiếp tục nhận định: “Không những Nguyễn Ái Quốc nắm vững thực chất chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà ngay từ đầu đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của nước mình” .
Học thuyết chính trị Mác - Lê-nin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng thành các bài giảng trong tập “Đường kách mệnh”. Tư tưởng này thông qua các thanh niên trí thức bằng đường bộ, đường biển về Bắc, Trung, Nam kỳ Việt Nam. Học thuyết Mác - Lê-nin trong “Đường kách mệnh” được phổ biến khắp cả nước dưới nhiều hình thức: Những bản in ở Quảng Châu; ở trong nước, có địa phương như tỉnh An Giang, tài liệu này được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật (có tựa là Đạo Nam kinh) để che mắt mật thám. Nguyễn Ái Quốc đã dành hầu hết thì giờ cho lớp huấn luyện từ khâu giảng bài cho đến việc dự nghe học viên thảo luận, thực hiện chương trình ngoại khoá như tham quan, thâm nhập thực tế của cách mạng Quảng Châu lúc đó. Trong hồi ức của mình, Lê Mạnh Trinh đã viết rằng: ''Mỗi học viên chúng tôi phải đóng vai người tuyên truyền, những người khác ngồi nghe và hỏi lại. Sau đó chúng tôi góp ý kiến bài diễn thuyết và những câu hỏi''. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn cũng được tham gia công việc này với tư cách là giảng viên trợ giảng.
Ảnh: Internet
Như vậy, xét theo chương trình học tập, các học viên ở đây được trang bị những vấn đề rất cơ bản về học thuyết Mác - Lê-nin, về những nguyên tắc hoạt động cách mạng, về những kỹ năng thực hành của người cách mạng.
Đây chính là sự sáng tạo, bí quyết thắng lợi của Nguyễn Ái Quốc trong việc tập huấn cho cán bộ truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Đội ngũ thanh niên trí thức yêu nước được tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã mang về vận dụng, truyền bá vào Việt Nam lại được sáng tạo thêm một lần nữa. Việc truyền bá cho công nhân diễn ra vào bất cứ lúc nào như những lúc nghỉ ngơi, rảnh rỗi, đi làm, buổi tối trước khi đi ngủ… Truyền bá dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tài liệu văn bản… Từ đây, một “trường học” mới của những người công nhân, của những người yêu nước được hình thành, một kiểu trường học rất cơ động, đặc biệt từ thầy, trò, nội dung đến địa điểm, cơ sở vật chất đều đặc biệt… Sự "đặc biệt" này phù hợp với điều kiện thực tiễn chính trị đặc biệt của Việt Nam.
Bằng sự sáng tạo của Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng vô sản được truyền vào Việt Nam một cách hiệu quả. Từ đây, học thuyết Mác - Lê-nin trở thành vũ khí tinh thần cho lực lượng cách mạng trong nước. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành Đảng chính trị nhằm tập hợp lực lượng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Việc truyền bá học thuyết Mác - Lê-nin một cách sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc là cơ sở để cho giai cấp công nhân Việt Nam ít về số lượng, trình độ thấp có thể tiếp thu những nguyên lý, luận điểm căn bản trong học thuyết cách mạng một cách rõ ràng. Từ đây, học thuyết Mác - Lê-nin thâm nhập sâu vào xã hội, là điều kiện cơ bản để ra đời ba tổ chức Đảng chính trị quan trọng ở Bắc, Trung, Nam kỳ - tiền thân để ra đời Đảng chính trị của giai cấp công nhân làm nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cách mạng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Việt Nam./.