Chiều 27/12, Bộ Xây dựng tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV và gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025.
Thông tin tại họp báo, bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 18), Bộ đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện báo cáo Tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.
Bộ Xây dựng đánh giá đây là công việc rất hệ trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến từng cán bộ, công chức, viên chức; đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất rất cao, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương. Sau sắp xếp, bộ máy phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phải tốt hơn trước đây; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải có 23 đơn vị.
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 24 - 27 đơn vị, giảm tương đương 35 - 41% tổng số đầu mối. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp có 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, Kế hoạch tài chính, Tổ chức cán bộ, Pháp chế và Hợp tác quốc tế), khối chuyên ngành có khoảng 13 - 16 đơn vị và khối sự nghiệp công lập có 5 đơn vị.
Về tên gọi sau hợp nhất, trước đó, 2 Bộ đã thống nhất đề xuất tên gọi là "Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải". Tuy nhiên, sau khi xem xét, phân tích, theo kết luận của Ban Chỉ đạo Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết 18, tên gọi 2 Bộ được quyết định là "Bộ Xây dựng và Giao thông".
Thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết số 18, bà Đỗ Thị Phong Lan cho biết, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện Nghị quyết hết sức nghiêm túc, quyết liệt với sự quán triệt cao và nhận thức rất rõ tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của Nghị quyết.
"Qua triển khai thực hiện Nghị quyết 18, mặc dù chức năng, nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao liên tục tăng qua các nhiệm kỳ và chỉ tiêu biên chế được giao rất hạn hẹp, Bộ Xây dựng vẫn thực hiện nghiêm việc tinh gọn bộ máy, luôn giữ được cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", bà Lan nói.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2006 - 2011, Bộ Xây dựng được giao bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với 2 lĩnh vực mới là phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản. Nhiệm kỳ Chính phủ 2011 - 2016, Bộ Xây dựng được giao bổ sung 26 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Sang nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, Bộ được bổ sung 21 nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2026, Bộ Xây dựng được bổ sung làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công viên, cơ khí xây dựng, chuyển đổi số của ngành.
Theo bà Đỗ Thị Phong Lan, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối, tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng. Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về SCIC 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp (tương đương 62,5%) trên tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó./.