Kể từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Đáng chú ý, trong số này có 19 tỉnh và 4 thành phố được hình thành sau quá trình sắp xếp, trong khi 11 tỉnh, thành phố không thay đổi. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là thay đổi về địa giới hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tạo đà để thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ hơn. Việc sáp nhập đã hình thành nên những trung tâm công nghiệp với quy mô lớn hơn, tạo thế và lực mới để cạnh tranh trong thu hút dòng vốn quốc tế.
Trong số các "thủ phủ" mới được hình thành, TP.HCM nổi lên như một điểm sáng hàng đầu với tiềm năng thu hút FDI khổng lồ. Việc sáp nhập thêm Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, hai địa phương vốn luôn nằm trong top đầu về thu hút vốn nước ngoài kỳ vọng sẽ nâng tầm TP.HCM trở thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ hội tụ sức mạnh tổng hợp.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị thu hút FDI của TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP.HCM) là 4,027 tỷ USD. Lũy kế đến hết tháng 5/2025, TP.HCM (mới) có 19.224 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 140 tỷ USD. Sự bùng nổ của FDI tại TP.HCM sẽ là động lực cực lớn cho phân khúc bất động sản công nghiệp, thúc đẩy nhu cầu về kho bãi, nhà xưởng xây sẵn, và cả các khu đô thị vệ tinh phục vụ cư dân và chuyên gia.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm của một số địa phương trước khi sáp nhập. (Nguồn: Cục Thống kê)
Không kém cạnh, Bắc Ninh (sau khi sáp nhập với Bắc Giang) cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất cho vốn FDI. Với 3,087 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm, Bắc Ninh (sau sáp nhập) đứng thứ ba toàn quốc, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Lũy kế đến hết tháng 5, tỉnh này đã có 3.290 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư lên tới 46,074 tỷ USD. Những con số trên cũng hứa hẹn sự phát triển vượt bậc cho các khu công nghiệp hiện hữu và hình thành các khu công nghiệp mới, kéo theo đó là sự phát triển đồng bộ của bất động sản nhà ở công nhân, nhà ở xã hội và các dịch vụ tiện ích xung quanh.
Đồng Nai mới (Đồng Nai cũ và Bình Phước) cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể về thu hút FDI, đạt 1,855 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2025 và xếp thứ 4 cả nước. Tổng vốn lũy kế đến hết tháng 5 là 44,28 tỷ USD với 2.565 dự án FDI.
Tại miền Bắc, Hải Phòng mới (sáp nhập với Hải Dương) với thế mạnh là hai "thủ phủ" sản xuất ô tô lớn của VinFast và Ford, đang mở ra cơ hội vàng cho tăng trưởng vốn FDI. Tổng vốn FDI 5 tháng đầu năm của Hải Phòng mới đạt 1,114 tỷ USD, đứng thứ 5 cả nước, với lũy kế đạt 44,46 tỷ USD từ 1.971 dự án. Sự tăng trưởng này sẽ củng cố vị thế của Hải Phòng là trung tâm công nghiệp, cảng biển, kéo theo nhu cầu lớn về đất công nghiệp, nhà xưởng và dịch vụ hậu cần.
Các "siêu tỉnh" mới nổi khác phải kể đến như Ninh Bình (sáp nhập với Hà Nam, Nam Định), Tây Ninh (sáp nhập với Long An), và Hưng Yên (sáp nhập với Thái Bình) cũng đang cho thấy sức hút mạnh mẽ. Ninh Bình thu hút 1,112 tỷ USD (thứ 6), Tây Ninh 981 triệu USD (thứ 7) và Hưng Yên 973 triệu USD (thứ 8) trong 5 tháng đầu năm. Sự hình thành các trung tâm kinh tế đa ngành tại các địa phương này không chỉ thu hút FDI mà còn kích hoạt làn sóng phát triển các loại hình bất động sản phụ trợ như nhà ở cho chuyên gia, khu đô thị mới, và dịch vụ thương mại, tạo nên động lực tăng trưởng bền vững cho thị trường.

Sau khi các địa phương mới chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo ra một cục diện hoàn toàn mới cho bức tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Theo phân tích từ ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội, việc mở rộng địa giới hành chính giúp các tỉnh có thể quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp mới với diện tích lớn hơn, cung cấp thêm lựa chọn cho doanh nghiệp, giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn. Từ việc gia tăng quỹ đất, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ dễ dàng tìm được vị trí phù hợp để mở nhà máy, tránh tình trạng khan hiếm đất công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu cao.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập, các tỉnh có diện tích lớn hơn có điều kiện để phân vùng rõ ràng hơn, từ đó phát triển các khu công nghiệp hoặc tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như Khu công nghiệp hỗ trợ hoặc khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành sản xuất lớn hoặc một ngành sản xuất cụ thể nào đó như ô tô, bán dẫn.
"Các địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, vốn đã là điểm sáng về thu hút đầu tư, khi được sáp nhập và phối hợp chặt chẽ hơn về quy hoạch, sẽ bổ trợ lẫn nhau về cơ sở hạ tầng, lao động và định hướng phát triển. Quy mô lớn giúp địa phương đạt chuẩn cao hơn về hạ tầng và quản lý, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Thomas phân tích.
Dù viễn cảnh đầy hứa hẹn, con đường đi đến thành công không hề bằng phẳng. Giai đoạn chuyển tiếp, được dự báo kéo dài ít nhất 2 - 3 năm, đây là một phép thử thực sự đối với cả chính quyền các địa phương và doanh nghiệp.
Thách thức trước mắt và lớn nhất là sự xáo trộn về thủ tục hành chính. Ông Thomas Rooney nhận định trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do thay đổi đầu mối quản lý và chính sách chưa kịp đồng bộ giữa các địa phương sáp nhập.
Việc cấp phép đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, các thủ tục liên quan đến môi trường, xây dựng... có thể bị đình trệ hoặc thay đổi, gây ra sự bất định và rủi ro cho nhà đầu tư. Niềm tin của họ, vốn là yếu tố sống còn trong thu hút FDI, có thể bị ảnh hưởng nếu quá trình chuyển đổi không được quản lý tốt.
Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là một bài toán lớn. Việc thay đổi địa giới sẽ tác động trực tiếp đến kế hoạch cư trú, đăng ký hành chính và kết nối giao thông của hàng triệu người lao động. Đây vừa là rào cản, vừa là cơ hội để tái thiết mạng lưới cung ứng lao động theo hướng liên vùng, hiệu quả hơn.