Aa

Đề xuất đổi tên TP.Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Bảy, 11/06/2022 - 11:58

Phương án đổi tên TP. Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn được các ban nghành chức năng đề xuất tại Hội nghị thông qua Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa mới đây.

Hội nghị diễn ra chiều 8/6 có đại diện lãnh đạo các Sở, cùng các đại biểu Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND và lãnh đạo các phòng, ban của thành phố Thanh Hóa.

Tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ đã nêu các lý do sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá, cụ thể như: Thành phố Thanh Hóa hiện nay có tới 30 phường, nhưng chỉ có 4 xã ngoại thành, dân số ngoại thành của thành phố chỉ chiếm 3,75% và 13,1% diện tích, mất cân bằng về chức năng của vùng nội và ngoại thành.

Trong khi đó, thành phố Thanh Hóa đang có xu hướng phát triển về phía tây, đồng thời huyện Đông Sơn cũng đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai... Ngoài ra, việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa sẽ giúp tinh giảm bộ máy và số đơn vị hành chính theo chủ trương của Trung ương.

Đề xuất đổi tên TP.Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa
Đề xuất đổi tên TP.Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.

Hiện nay, huyện Đông Sơn có hơn 70.000 dân với diện tích là 84km2 chỉ đạt 64,73% về dân số và đạt 18,41% chỉ tiêu về diện tích so với quy định của Trung ương đối với đơn vị hành chính cấp huyện.

Như vậy, sau sáp nhập, thành phố mới sẽ có diện tích là 228,22km2, dân số là 594.192 nhân khẩu với 48 đơn vị hành chính cấp phường, xã (gồm 31 phường và 17 xã nếu chuyển thị trấn Rừng Thông lên phường).

Sau sáp nhập, thành phố mới này sẽ đảm bảo các quy định của đô thị trực thuộc tỉnh về các yếu tố cơ bản như: Quy mô dân số, diện tích, số lượng đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, cân đối ngân sách, thu nhập đầu người, mức tăng trưởng kinh tế trung bình, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp…

Tuy nhiên, riêng tiêu chí tỷ lệ phường từ 65% trở lên chưa đạt, nên hội nghị đề xuất thành lập thêm các phường mới trực thuộc thành phố. Về việc này, thành phố Thanh Hóa đã đề xuất với tỉnh xin phương án thành lập thêm 2 phường Hoằng Quang và Hoằng Đại để đảm bảo yêu cầu.

Về tên gọi thành phố mới sau sáp nhập, đại diện Sở Nội vụ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 lấy tên là thành phố Thanh Hóa do nhận diện về thành phố Thanh Hóa trong nước và quốc tế đã khá lâu, được nhiều người biết đến. Lấy tên này sẽ không gây xáo trộn nhiều về thủ tục hành chính khi sáp nhập.

Phương án 2, lấy tên thành phố Đông Sơn vì cái tên Đông Sơn gắn với bề dày lịch sử của dân tộc. Trong hàng ngàn năm, Đông Sơn luôn là tỉnh lỵ của Thanh Hóa và là 1 trong 4 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Thành phố Thanh Hóa hiện nay phần lớn là diện tích cũ của huyện Đông Sơn nhập vào, hầu hết cán bộ, đảng viên lão thành của thành phố đều có nguồn gốc từ huyện Đông Sơn.

Trong phần thảo luận, lãnh đạo các Sở Xây dựng, Tài chính và các phòng, ban của thành phố đã nêu ý kiến đề xuất về các vấn đề như sáp nhập các đơn vị phòng, ban trực thuộc của huyện Đông Sơn vào các đơn vị phòng, ban của thành phố Thanh Hóa, vấn đề bố trí cán bộ, biên chế, đặc biệt là cán bộ cấp trưởng và cấp phó của thành phố và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, vấn đề tên gọi, vấn đề chọn, điều tra tiêu chí để đề xuất thành lập thêm phường trên cơ sở số xã hiện nay của thành phố và huyện Đông Sơn.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Lê Anh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hóa lựa chọn đề xuất lấy phương án 2 lấy tên là thành phố Đông Sơn sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.

Cái tên Đông Sơn gắn với lịch sử văn hóa của tỉnh Thanh Hóa và cả thành phố Thanh Hóa trong suốt hơn 1.000 năm... được cán bộ, đảng viên huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa mong muốn. Đồng thời, ông Xuân cũng đề nghị các đơn vị chức năng làm rõ việc xác định lại thời điểm mốc lịch sử có tên Đông Sơn và các tài liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của huyện Đông Sơn, từ đó làm căn cứ đề xuất với tỉnh, Trung ương đặt tên gọi là thành phố Đông Sơn.

Riêng việc nhập các đơn vị trực thuộc thành phố, Bí thư thành phố Thanh Hóa đề xuất, đối với các ban quản lý dự án, ban giải phóng mặt bằng nên để 5 năm sau mới sáp nhập, bởi các ban này có quy mô rất lớn lại đang quản lý nhiều dự án, tài sản của Nhà nước nên cần phải có thời gian hoàn thành trước khi sáp nhập với nhau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top