Aa

Sắt thép gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Thứ Sáu, 28/01/2022 - 06:15

Xuất khẩu sắt thép năm 2021 mang về xấp xỉ 12,7 tỷ USD, tăng 124,3% so với năm 2020, đưa ngành hàng này gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Lập đỉnh

Năm 2021, khi doanh nghiệp nhiều ngành hàng oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19, thì ngành thép lại đi ngược dòng với hoạt động bán hàng, trong đó kênh xuất khẩu lần đầu tiên giúp ngành tiêu thụ thành công 14 triệu tấn. Không chỉ tăng về sản lượng, nhờ sự đi lên của giá thép toàn cầu, thép xuất khẩu cũng được hưởng lợi, nhờ đó thu về 12,7 tỷ USD.

Nhìn vào kết quả xuất khẩu năm 2020 là 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, tăng 25,1% về trị giá so với năm 2019, thì kết quả của năm 2021 thực sự rất ấn tượng.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại được ký kết đã có hiệu lực, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng, thì đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép.

Theo số liệu của VSA, sản xuất thép thô cả năm qua đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%; trong đó việc xuất khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm đã có đóng góp lớn vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Năm 2021, sản xuất thép thô đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2021. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%.

Xuất khẩu đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỷ USD.

 Nguồn: VSA

Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát đánh giá, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ còn hơn 2%, nhưng ngành thép vẫn có sự tăng trưởng tích cực.

“Thị trường trong nước bị chững lại, nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, có sự đóng góp của Hòa Phát vào sự tăng trưởng này”, ông Dương nói.

Năm qua, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 8,8 triệu tấn thép các loại, tăng 35% so với cùng kỳ, xuất khẩu 2,6 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021. Lần đầu tiên xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng của Hòa Phát ghi nhận 2,3 triệu tấn, thị trường xuất khẩu chính là Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …

Thay đổi về cơ cấu thị trường

Không chỉ lập đỉnh với 14 triệu tấn xuất khẩu và gia nhập câu lạc bộ ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành thép còn chuyển hướng để điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng có lợi hơn cho ngành.

Cụ thể, thép Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu tới các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, giảm dần tỷ trọng sang khu vực ASEAN, Trung Quốc.

VSA cho hay, nếu top 5 thị trường xuất khẩu thép năm 2020 là ASEAN (42,6%), Trung Quốc (36,53%), EU (2,88%), Đài Loan (2,86%) và Mỹ (1,87%), thì năm 2021 đã có sự thay đổi tích cực, dù ASEAN vẫn là thị trường truyền thống, nhưng tỷ trọng đã giảm đáng kể còn 28,64%, Trung Quốc giảm còn 21,32% và xuất khẩu sang EU tăng lên 12,56%, Mỹ tăng lên 7,51% và Đài Loan tăng lên 5,05%.

Việc điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu được đánh giá giúp ngành thép bớt rủi ro hơn, khi sắt thép đang dẫn đầu trong số các ngành hàng xuất khẩu bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường như ASEAN, Australia, Mỹ…

Đánh giá về triển vọng thị trường thép năm 2022, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, ngành thép sẽ tiếp tục có dư địa tăng trưởng tích cực hơn nhờ sản xuất phục hồi, đầu tư công  và các ngành sản xuất đang thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.

Đối với kênh xuất khẩu, để sản phẩm thép Việt gia tăng xuất khẩu tại các thị trường khó tính, việc đầu tư công nghệ, chuẩn hóa sản xuất, tiến tới giảm phát thải, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào được các doanh nghiệp chú trọng. Các dự án đầu tư giai đoạn vừa qua và tới đây của những doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen… đều được tiến hành theo xu thế xanh hóa sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tôn Đông Á cho biết, ngành thép Việt Nam đang hướng tới phát triển thép xanh trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu.

“Việt Nam cần chuẩn bị để giữ vững và tăng thị phần xuất khẩu. Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này”, ông Trung cho hay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top