Aa

Sau 10 tháng thí điểm, tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ được đầu tư hơn

Thứ Sáu, 07/07/2017 - 12:39

Sau 10 tháng triển khai thí điểm, UBND TP vừa ban hành Thông báo số 666 truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về việc tổng kết thực hiện tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Tiếp tục duy trì triển khai tổ chức không gian đi bộ 

Việc triển khai tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thời gian vừa qua đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao; đã tạo dựng được một không gian văn hóa phục vụ Nhân dân và du khách. Đồng thời, đạt được các mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thu hút khách du lịch, quảng bá văn hoá, tạo môi trường giao lưu văn hóa các vùng miền trong và ngoài nước…

Nhiều hoạt động văn hóa thú vị diễn ra ở phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần.

Nhiều hoạt động văn hóa thú vị diễn ra ở phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần.

Trên cơ sở kết quả sau 10 tháng thực hiện thí điểm, UBND TP thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương tiếp tục duy trì triển khai tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chính thức bắt đầu từ 1/7/2017 để công bố công khai. Trong đó, đề xuất phương án thực hiện như Giao UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị chủ trì, đầu mối tổ chức toàn bộ các hoạt động (có thể thực hiện thông qua ban quản lý chuyên trách) trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn của các sở, ban, ngành có liên quan của thành phố. Đồng thời, giữ nguyên thời gian tổ chức (không thay đổi giữa các mùa) đảm bảo ổn định sản phẩm văn hóa du lịch, gồm cả các ngày lễ 30/4-01/5.

Về tổ chức hoạt động, xác định không gian đi bộ có ý nghĩa chính là không gian văn hóa, chủ yếu giới thiệu sản phẩm văn hóa; các hoạt động dịch vụ thương mại là thứ yếu đảm bảo nhu cầu thiết yếu phục vụ người dân tham gia không gian đi bộ. UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tổ chức thiết kế, triển khai các quầy hàng (toa xe) phục vụ các dịch vụ thiết yếu, bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, cafe, nước ép trái cây, nước uống.... Cho phép có thể đấu giá các quầy hàng để thu hút; ngăn chặn tình trạng bán hàng rong, các trò chơi nguy hiểm; tổ chức vui chơi thiếu nhi, ôtô thiếu nhi vào khu vực riêng.

TP cũng giao Sở VH&TT xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa đến hết năm 2017 và năm 2018, tập trung các loại hình: Âm nhạc, lễ hội hoa Anh Đào, giao lưu văn hóa Nhật Bản, văn hóa Asian, giao lưu văn hóa các địa phương, festival đường phố, lễ hội bia, các giải đua xe đạp, chạy.... Sớm có chính sách và tập trung kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, DN tham gia hỗ trợ để tăng cường đưa các hoạt động văn hóa về tổ chức tại đây để trở thành trung tâm quảng bá phát triển văn hóa của Thủ đô và cả nước…

TP cũng giao Sở TT&TT duy trì các quầy sách, nâng cao chất lượng phù hợp thực tế. Ban An toàn giao thông TP nghiên cứu, tổng hợp việc triển khai các hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận làm kinh nghiệm xây dựng các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông vào nội đô, nhân rộng thực hiện. Sở GTVT rà soát 89 điểm trông giữ phương tiện, xây dựng phương án giao Công ty Quản lý khai thác điểm đỗ xe để quản lý, ứng dụng công nghệ tự động, có thu phí…

Nhiều điểm cộng cho tuyến phố đi bộ

Ngày 30/6/2017 là mốc thời gian được UBND TP Hà Nội xác định để kết thúc thí điểm Đề án tổ chức một số tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Nhìn lại 10 tháng thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, dễ dàng nhận thấy nhiều "điểm cộng". Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã gắn với không gian đi bộ trong khu phố cổ, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội. Nơi đây cũng tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân. Phố đi bộ trở thành “trung tâm” giao lưu văn hóa các vùng, miền, các quốc gia giữa lòng Hà Nội.

Nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận đánh giá cao, như: Chương trình hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra; Lễ hội Hoa anh đào (Nhật Bản); biểu diễn vũ điệu tăng-gô (Ác-hen-ti-na); “Không gian văn hóa dân tộc Mông Hà Giang tại Hà Nội”; “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”... Nhờ đó, giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh quanh hồ như: Đài Nghiên, tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền thờ vua Lê, tháp Hòa Phong, tháp Báo Thiên, đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… càng được phát huy. Hình ảnh thủ đô Hà Nội-Thành phố vì hòa bình càng trở nên gần gũi với nhân dân, bạn bè trong nước và thế giới.

"Điểm cộng" không thể không nói đến là thói quen đi bộ cũng dần hình thành, tạo nếp sống mới cho người dân Thủ đô. Các tuyến phố đi bộ đã góp phần kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung. Theo con số thống kê, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia rất đông. Trung bình ban ngày có khoảng 3.000-5.000 người, buổi tối khoảng 15.000-20.000 người đến với khu vực này. Lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và Hà Nội trong thời gian này đều tăng. Số phòng của các cơ sở lưu trú quanh khu vực trong thời gian từ nay đến hết năm 2017 đều đã được đặt kín. Số lượng cửa hàng kinh doanh mới và chuyển mục đích kinh doanh phục vụ dịch vụ, du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tăng 268 cơ sở…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top