Aa

Sau 3 ngày ra mắt, Go – Viet có nên hồ hởi khi tuyên bố chiếm 10% thị phần?

Thứ Năm, 30/08/2018 - 09:00

Chỉ sau 3 ngày ra mắt, Go-Viet công bố giành 10% thị phần vận tải công nghệ. Tuy nhiên độ tin cậy của con số này đến đâu, cần phải xem xét.

3 ngày, đạt tới 10% thị phần?

Go-Viet chỉ mới chính thức vận hành tại TP.HCM từ đầu tháng 8, dưới sự hậu thuẫn từ Go-Jek, ứng dụng gọi xe hàng đầu Indonesia đang rất phát triển và ứng dụng này được dự đoán có tiềm năng trở thành đối thủ hàng đầu của Grab tại thị trường TP.HCM.

Tuy nhiên, trên trang cá nhân LinkedIn của ông Andre Soelistyo, chủ tịch Go-Jek mới đây có đăng tải dòng trạng thái: "Trong vòng 3 ngày kể từ khi ra mắt, chúng tôi đã đạt tới 10% thị phần tại TP.HCM".

Ứng dụng Go-Viet mới ra đời.

Ứng dụng gọi xe Go-Viet mới ra đời.

Ngay khi nghe về con số này, rất nhiều người đã tỏ ra nghi vấn, bởi ứng dụng thành công nhất hiện nay, hay như đối thủ ngang tầm - Uber trước đây cũng chưa bao giờ dám lên tiếng khẳng định, tuyên bố thống lĩnh hay chiếm được bao nhiêu thị phần.

Vị này cũng thông tin tính đến thời điểm hiện tại, Go-Viet đã chiếm được 15% thị phần tại chiến trường đầu tiên và đang tiến hành các bước chuẩn bị mở rộng ra thị trường Hà Nội vào tháng 9 tới.

Bàn về con số ấn tượng này, nhiều chuyên gia nhận định trong bối cảnh cuộc đua ứng dụng công nghệ tham gia vào vận tải đang ngày càng sôi động với hàng loạt tân binh trong và ngoài nước liên tục xuất hiện, việc xác định chính xác thị phần hoàn toàn không dễ.

Đặc biệt, khi việc định danh loại hình này còn chưa ngã ngũ, chính cơ quan nhà nước cũng khó lòng xác định tỷ lệ chiếm lĩnh thị phần của bất cứ doanh nghiệp cung cấp phần mềm nào. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt nhiều nghi vấn liên quan đến độ chính xác của con số mà lãnh đạo Go-Jek đưa ra.

Theo ông, muốn có được con số chính xác, phải dựa vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, phải công bố được tiêu chí, con số cụ thể từ các nguồn đáng tin cậy chứ không thể chỉ nói miệng, ước đoán được.Trong khi đó, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa đặt trường hợp vẫn có thể xác định được phần trăm thị phần nhờ vào mua số liệu từ những kênh cung cấp hệ sinh thái như Google. Đơn vị này sẽ đo được lượng người tải app (ứng dụng), số lượt sử dụng… Tuy nhiên chắc chắn sẽ có sai số, chưa kể nhiều trường hợp một tài xế chạy nhiều app.

“Nếu không có một đơn vị độc lập, đáng tin cậy công bố kết quả thống kê, khảo sát, các doanh nghiệp thường có xu hướng nâng con số so với thực tế nhằm đánh vào tâm lý của đối tác, gây hiệu ứng đám đông. Đây là một trong những thủ thuật truyền thông thường thấy đối với các doanh nghiệp mới, đang hừng hực khí thế muốn giành thị phần” - ông Hòa nói.

Grab hướng đến nền tảng đa dịch vụ

Trong khi quân đỏ rầm rộ tuyên chiến thì Grab vẫn âm thầm, không công bố con số cụ thể mà chỉ khẳng định không bị giành mất thị phần. Liệu "áo xanh" có bị thất thế trước sự tấn công như vũ bão của đội đỏ ? Nếu để ý kỹ có thế thấy, bước đi của Grab hoàn toàn khác.

Grab hướng đến một nền tảng Platform bao gồm nhiều dịch vụ chứ không chỉ tập trung ở mảng vận tải. Hiện nay, Grab đang triển khai rất nhiều dịch vụ như Grab Financial hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, GrabPay giúp việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên dễ dàng, GrabDaily giúp việc đọc báo, giải trí trở nên thuận tiện hơn hay mới đây nhất là phối hợp cùng HappyFresh triển khai dịch vụ GrabFresh - giao hàng tạp hóa tận nhà.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, bước đi tiếp theo của công ty này tại thị trường Việt Nam là đưa Grab trở thành hệ sinh thái, thành một siêu ứng dụng phục vụ mọi nhu cầu hằng ngày của người dùng - tất cả thông qua một ứng dụng - cũng là mục tiêu phát triển bền vững của Grab.

“Với đội ngũ 135.000 đối tác tài xế trên toàn quốc, chúng tôi đang cung cấp dịch vụ vận chuyển (GrabCar, GrabBike, GrabTaxi), giao nhận hàng hóa (GrabExpress) và giao nhận thức ăn (GrabFood) đến người dùng tại 36 tỉnh, thành, và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Am hiểu người dùng là một trong những chìa khóa quan trọng giúp hệ sinh thái Grab phát triển manh mẽ” - vị này khẳng định.

Ông Đỗ Hòa đánh giá đây là chiến lược kinh doanh bài bản của một doanh nghiệp lớn, xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ liên quan để tạo mạng lưới khách hàng trung thành.“Với vị thế hiện tại, việc đánh bại được Grab tại thị trường Việt Nam không hề dễ dàng đối với bất cứ một đối thủ nào. Uber là một minh chứng rõ nét. Chính vì thế các doanh nghiệp cần xác định đây không phải đơn giản là cuộc chiến về mặt truyền thông. Để đi đường dài, quan trọng nhất vẫn là tiềm lực vốn và chất lượng dịch vụ” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top