Rời nơi “chôn rau cắt rốn” vì chủ trương lớn
Gần 20 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An với mục tiêu phát triển nguồn điện quốc gia với công suất 320MW. Dự án được khởi công năm 2004 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2010.
Dự án đã ngốn nguồn quỹ đất khổng lồ của tỉnh lên đến hàng nghìn ha đất các loại, bao gồm: 88ha đất ở, 534ha đất sản xuất, 7ha đất nuôi trồng thủy sản, 1.451ha đất lâm nghiệp, 9ha đất phi nông nghiệp, 2.076ha đất rừng sản xuất và 497ha đất khác… trải dài khắp 34 bản của 9 xã thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.
Để thực hiện dự án Thủy điện Bản Vẽ, năm 2005, có hơn 3.000 hộ dân khu vực lòng hồ đã phải khăn gói rời nơi “chôn rau cắt rốn” đến các khu tái định cư sinh sống. Trong số hàng nghìn hộ dân phải di cư đó, có 46 hộ dân được chính quyền địa phương bố trí đến sinh sống tại khu tái định cư Khe Ò.
Tại khu tái định cư Khe Ò, các hộ dân đã được chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà cửa, nhà văn hóa, đường giao thông, điện lưới… đầy đủ; đồng thời làm thủ tục giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân sinh sống ổn định, lâu dài.
Những tưởng như vậy sẽ sớm được “an cư lạc nghiệp”, yên tâm tập trung phát triển kinh tế, thế nhưng, chưa được bao lâu thì người dân khu tái định cư Khe Ò đã phải sống trong cảnh hoang mang, lo lắng trước mối hiểm nguy rình rập từ những lần sạt lở ập đến do mưa lớn kéo dài.
Đỉnh điểm là vào tháng 9/2010, hiện tượng sạt lở xảy ra tại khu tái định cư Khe Ò khiến cho một tảng đá khổng lồ từ trên đỉnh núi rơi xuống, làm sập nhà của một hộ dân. Sau khi xảy ra vụ việc, 7/46 hộ dân đã tự tháo dỡ nhà cửa, rời bỏ khu tái định cư Khe Ò để tìm đến nơi ở khác sinh sống. Tiếp đó, đến năm 2012, cũng bởi vì lo sợ sạt lở, hiểm họa rình rập nên 36 hộ dân khác lần lượt kéo nhau rời bỏ khu tái định cư, tìm nơi ở mới.
Hiện tại, khu tái định cư này chỉ còn vẻn vẹn có 3/46 hộ dân bám trụ ở lại, đều là những ông bà tuổi đã ngoài 60, mưu sinh bằng việc vào rừng kiếm củi, trồng rau và chăn thả gia súc, gia cầm.
Tái định cư nhưng không an cư
Hướng mắt nhìn lên những ngôi nhà hoang phế trên cao, ông Vi Thanh Trung (1 trong 3 hộ dân hiện đang bám trụ lại khu tái định cư Khe Ò) kể lại: “Vào năm 2010, sau những trận mưa lớn, một tảng đá “khổng lồ” từ trên đỉnh núi bất ngờ lăn xuống đè bẹp nhà bếp của hộ gia đình Lô Thanh Xuân. Rất may, không có thiệt hại về người. Sau khi sự việc xảy ra, 7 hộ gia đình ở khu tái định cư Khe Ò đã tự di dời nhà cửa đi nơi khác. Một thời gian sau đó, do lo sợ hiện tượng sạt lở, đá lăn xuống gây nguy hiểm đến tính mạng nên 36 hộ dân khác cũng lần lượt rời bỏ khu tái định cư đi nơi khác sinh sống”.
Khi được hỏi tại sao vợ chồng ông vẫn bám trụ ở lại khu vực này, ông Trung cho biết: “Do con cái đều đi làm ăn xa, vợ chồng ông lại già cả nên không thể rời khỏi nơi đây. Bên cạnh đó, việc tìm được khu đất mới lẫn chi phí để xây nhà dựng cửa là rất khó. Mặc dù cuộc sống nơi đây khó khăn, không có đất sản xuất, chỉ biết chăn nuôi một vài con trâu, con gà và trồng rau để sống nhưng vợ chồng ông vẫn phải chấp nhận và không có ý định rời khỏi đây”.
Có thể thấy rằng, chính vì công tác khảo sát, lựa chọn những khu tái định cư chưa phù hợp, để giờ đây người dân sau khi nhường đất cho dự án Thủy điện Bản Vẽ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, “mất ăn, mất ngủ” mỗi khi mưa lũ tràn về.
Cũng qua tìm hiểu được biết, trong số 43 hộ gia đình tự chuyển đi nơi khác sinh sống, có 19 hộ dựng nhà ở ven khe ven suối phía hạ lưu nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, trong đợt xả lũ ngày 30 và 31/8/2018 đã cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa, đất đai cùng các tài sản khác của 19 hộ dân này.
Trao đổi với phóng viên, bà Lương Thị Tuyết (66 tuổi, là 1 trong 7 hộ dân khu tái định cư Khe Ò di dời nơi ở đầu tiên) chia sẻ: “Vào năm 2012, gia đình chúng tôi chuyển về ven khe suối sinh sống. Mặc dù vậy, ở nơi này, chúng tôi cũng không thể an cư được, luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ tràn về. Gia đình tôi cùng nhiều hộ gia đình khác mong muốn tìm được nơi ở mới, an toàn hơn để yên tâm sinh sống”.
“Người dân Khe Ò khổ lắm, không có đất sản xuất, xung quanh là rừng núi, đất đá cằn cỗi nên cuộc sống của các hộ dân nơi đây rất khó khăn, vất vả. Cũng bởi vì không có đất sản xuất nên con cái đều phải đi làm ăn xa để mưu sinh kiếm sống”, bà Tuyết nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, chính quyền huyện Tương Dương đã có Tờ trình số 204/TTr-UBND ngày 7/11/2019 về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí cho nhân dân bị ảnh hưởng dự án Thủy điện Bản Vẽ. Trong đó, nêu rõ: Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ kinh phí để xây dựng khu tái định cư mới cho 19 hộ kể trên với giá trị 5,27 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục xây dựng như: Kè chắn, đường giao thông nội vùng, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc chưa thể đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống cho người dân tái định cư./.