Aa

Sau Luật Đất đai 2013, số đơn khiếu nại liên quan đến đất đai giảm còn 1/3

Thứ Ba, 05/06/2018 - 11:47

Trước khi có Luật Đất đai 2013, lượng đơn khiếu nại, tố cáo lên tới 10.000 đơn nhưng sau khi có Luật Đất đai 2013, thì lượng số lượng đơn giảm còn 3.000 - 4.000.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vào chiều 4/6, ĐBQH Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi rằng: “Hiện nay, quản lý sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua như chậm đưa đất vào sản xuất, sử đụng đất sai mục đích để đất bị lấn chiếm, thất thoát lãng phí?”.

Liên quan tới vấn đề các vi phạm về đất đai ảnh hưởng tới người dân, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) chất vấn: "Thời gian qua vấn đề khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn trên 70% là nguyên nhân chính gây bức xúc trong nhân dân, làm mất trật tự an toàn, an ninh xã hội. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục cơ bản vấn đề này”.

Giải đáp câu chất vấn từ các ĐBQH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện nay đúng là có nhiều vấn đề về quản lý đất đai, đây chính là yếu kém. Trên thực tế, vấn đề quản lý theo quy hoạch như đất công giao cho các đối tượng, như đất chưa sử dụng hoặc đất giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đất giao cho các phường, xã, đất đai giao cho các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Vnexpress).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Vnexpress).

Đến nay, khâu để quản lý sử dụng hiệu quả đối với các loại hình đất này chúng ta chưa chú trọng và làm một cách quyết liệt. Vì vậy, nguồn lực này chưa được đánh giá chi tiết, dẫn tới tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, để đất đai lãng phí.

Bên cạnh vấn đề vi phạm, thực tế ghi nhận có nhiều doanh nghiệp khi đầu tư các dự án rất lớn nhưng trong quá trình đầu tư, năng lực lại kém. Trước khi Luật Đất đai 2013 ra đời, chưa có quy định về năng lực đầu tư, những biện pháp tài chính như đặt các quỹ để đảm bảo cam kết đầu tư. Điều này dẫn tới tình trạng nguồn lực đất đai không được sử dụng đúng mục đích, trở thành sản phẩm đầu cơ. Doanh nghiệp lại đi tìm nhà đầu tư khác, rồi lại không đủ năng lực.

Việc tăng cường biện pháp quản lý, biện pháp đối với vấn đề cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Trung ương và địa phương cần phải sớm xem xét. Cơ quan chức năng cần rà soát lại quỹ đất, sử dụng đất, các quy định hiện hành như thế nào đối với các đối tượng, loại hình đất đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt, Luật Đất đai 2013 cũng đề cập tới các trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi.

Thực tế vừa qua, Hà Nội và 4 địa phương khác đã thu hồi trên 77.000ha đất dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích. Chính quyền đã thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Đây những biện pháp cần thiết trong thời gian tới.

Hiện nay đã có các tiêu chí xác định năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ đầu tư, các cơ chế, tài chính đất đai để đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện. Cần phải làm hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, có trách nhiệm rất cụ thể của từng cơ quan quản lý.

Liên quan đến thực tế có tới 70% đơn thư khiếu nại đều liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhắc đến đất đai là nhắc đến tất cả mọi đối tượng. Khiếu nại đất đai không chỉ có hôm nay mà có nhiều vấn đề từ 30 - 40 năm về trước. Đây là một vấn đề hết sức nhức nhối, bức xúc trong xã hội, mất an ninh, trật tự. Trước khi có Luật Đất đai 2013, lượng đơn khiếu nại, tố cáo lên tới 10.000 đơn nhưng sau khi có Luật Đất đai 2013, thì lượng số lượng đơn giảm còn 3.000 - 4.000.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích, khiếu nại tập trung vào 3 nhóm chính:

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến giá, công bằng hay không công bằng, tính đúng hay không tính đúng thị trường.

Nhóm vấn đề thứ hai, trước khi Luật Đất đai 2003 ra đời, khiếu nại có nội dung về trình tự, thủ tục xử lý. Trước đó, do Luật ban hành nhiều cơ chế, chính sách nên trình tự, thủ tục xử lý phức tạp khiến cơ quan chức năng làm không đúng thời điểm, không đúng quy trình. Mà chính những trình tự, thủ tục này cũng là quyền lợi của dân nên họ nộp đơn đòi quyền lợi. Loại nhóm thứ hai này chiếm 25%.

Nhóm vấn đề thứ ba chiếm 22% là nhóm liên quan đến cấp giấy sử dụng đất.

“Chúng ta cần phải tập trung nhóm thứ nhất. Hiện tại Luật Đất đai 2013 đã đề cập tới những chính sách trước thuận lợi, sau chặt chẽ hơn, hoặc thông thường giá đền bù về sau càng cao hơn về trước. Chúng ta cần phải tập trung để xem xét một cách bài bản từng vấn đề, rà soát từng vấn đề mà khiếu nại kéo dài và cần phải có những thẩm quyền và giải quyết cuối cùng.

Chúng ta cần phải xem lại các nguyên nhân khiếu nại, trong đó vấn đề quyền lợi các dự án đầu tư mà ở đây nhiều đại biểu nói thu hồi giá rẻ, nhưng giao cho doanh nghiệp thì đẩy giá lên rất cao, người dân không thể chịu được. Điều này đặt ra yêu cầu nên có phương pháp tính giá hợp lý để có một quy định sắp tới về chính sách phân chia giá trị gia tăng, khi Nhà nước thay đổi quy hoạch sử dụng đất, khi nhà nước tạo ra các hạ tầng. Phải làm thế nào để người dân được hưởng khi tái định cư hay nói cách khác, phải làm bài bản để người dân đồng tình, ủng hộ. Khi thay đổi quyền sử dụng đất thì người dân di chuyển đến một nơi khác, nhưng có điều kiện tốt hơn, tái định cư đồng bộ hơn.

Quan điểm của chúng tôi là mặc dù có thể là vấn đề pháp luật, vấn đề chính sách khác nhau, vấn đề nguồn gốc của đất đai và rất nhiều vấn đề khác, nhưng cần phải tập trung để giải quyết và có biện pháp cho nợ quyền sử dụng, trả tiền trách nhiệm về tài chính của người sử dụng đất để cấp được cho tất cả các đối tượng. 

- Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Khi người dân ổn định thì chính quyến mới bán đấu giá đất đai và trên giá trị gia tăng đó cần phải tính toán để điều tiết lại cho các bên liên quan, tức là nhà đầu tư, người dân và nhà nước vẫn được hưởng lợi. Chúng ta đã có cơ chế đấy nhưng thực tế chúng ta chưa làm được. Với cách tiến hành như hiện nay là giao đất không đấu giá, chỉ định thầu thì nảy sinh nhiều vấn đề thiếu minh bạch” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.

Liên quan đến giấy chứng nhận sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chỉ còn khoảng 5% chưa cấp. Cấp giấy quyền sử dụng đất chính là biện pháp để Nhà nước quản lý. Đó còn là biện pháp để phát huy nguồn lực từ đất đai. Qua giấy xác nhận quyền sử dụng đất, đất đai sẽ được giao dịch, sẽ trao đổi. Nếu không có giấy tờ thì không làm gì được.

“Quan điểm của chúng tôi là mặc dù có thể là vấn đề pháp luật, vấn đề chính sách khác nhau, vấn đề nguồn gốc của đất đai và rất nhiều vấn đề khác, nhưng cần phải tập trung để giải quyết và có biện pháp cho nợ quyền sử dụng, trả tiền trách nhiệm về tài chính của người sử dụng đất để cấp được cho tất cả các đối tượng. Trên cơ sở cấp đó khi có giao dịch thì chúng ta mới hồi tố việc thu, coi việc cấp là một điều rất cần thiết. Nếu chúng ta giải quyết được thì 5% đấy sẽ hoàn toàn nằm trong quản lý của Nhà nước” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top