Theo như nội dung Nghị quyết 60, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, Việt Nam dự kiến sẽ chỉ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số đó, có 11 tỉnh/thành phố sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Thời điểm hiện tại khi chưa tiến hành sáp nhập, Nghệ An đang là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500km2.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, tỉnh mới hình thành từ Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ có tên gọi là Lâm Đồng, có diện tích rộng nhất Việt Nam với hơn 24.200km2 và mức dân số 3,3 triệu người.
Sau khi sáp nhập, Hưng Yên sẽ là tỉnh nhỏ nhất cả nước với diện tích khoảng 2.514,8km2, dân số hơn 3,2 triệu người.
Đứng thứ 2 về diện tích lớn nhất cả nước là tỉnh Gia Lai mới (trên cơ sở hợp nhất tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định) có diện tích 21.576,5km2.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ góp mặt trong TOP 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Một góc tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Internet
Nếu nhìn theo trục Đông - Tây, địa phương này hiện đang sở hữu vị trí chiến lược khi vừa giáp biển, vừa có đường biên giới với Campuchia.
Trong bản đồ phát triển của Việt Nam, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận vốn là ba mảnh ghép đặc trưng về địa lý, văn hóa và tiềm lực kinh tế. Sự kết hợp của ba địa phương này không chỉ là cuộc sáp nhập hành chính, mà còn là cú hích chiến lược để hình thành một vùng kinh tế – du lịch – nông nghiệp – năng lượng trọng điểm phía Nam.
Lâm Đồng – thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái
Được mệnh danh là "cao nguyên xanh", Lâm Đồng nổi bật với khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái đa dạng và những thành phố du lịch như Đà Lạt – biểu tượng của du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam. Không chỉ hút khách bởi vẻ đẹp mộng mơ, Lâm Đồng còn đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với sản lượng rau, hoa, trái cây xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh, với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, sân bay Liên Khương chuẩn bị nâng cấp thành quốc tế, càng mở rộng cánh cửa đón du khách và hàng hóa.
Đắk Nông – "thủ phủ" năng lượng tái tạo và khoáng sản
Giàu tài nguyên và sở hữu tiềm năng lớn về thủy điện và năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió và điện mặt trời), Đắk Nông còn là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, phù hợp phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, mắc ca.

Một góc tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Internet
Cùng với đó, Đắk Nông đang sở hữu nguồn tài nguyên bô-xít lớn thứ hai cả nước, mở ra hướng phát triển công nghiệp chế biến alumin và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã quy hoạch nơi đây là điểm nhấn chiến lược về khai khoáng và năng lượng của quốc gia.
Bình Thuận – trung tâm kinh tế biển, năng lượng và logistics
Nằm trên trục Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam, với sân bay Phan Thiết đang trong quá trình hoàn thiện, cảng biển Vĩnh Tân cũng đang được nâng cấp, Bình Thuận được đánh giá là "điểm nóng" về phát triển hạ tầng giao thông và logistics.

Một góc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Internet
Nơi đây là "vựa" năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời đã hòa lưới. Đồng thời, với đường bờ biển dài và tài nguyên biển phong phú, Bình Thuận có thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và du lịch biển – với những cái tên đã trở thành thương hiệu như Mũi Né, Kê Gà, Cổ Thạch.
Việc sáp nhập ba tỉnh không chỉ tạo ra một thực thể hành chính mới, mà còn giúp rút ngắn thời gian phối hợp chính sách, tối ưu nguồn lực đầu tư và tạo động lực phát triển liên vùng. Từ đó, một vùng kinh tế đặc thù – kết hợp giữa cao nguyên, biển và tiềm năng khoáng sản, du lịch – sẽ định hình mạnh mẽ hơn trong bản đồ phát triển quốc gia.