Việc một doanh nghiệp nhập khối lượng điều thô lớn đến như vậy sẽ có tác động thế nào đến thị trường điều Việt Nam, cũng như thị trường điều thế giới?
Từ ý tưởng tiến đến Nam bán cầu
Việc T&T Group tiến tới thị trường châu Phi đã được truyền thông nhắc tới cách đây ít lâu. Đầu năm 2019, đại diện của T&T Group sang thăm một loạt các nước Châu Phi với kỳ vọng thu mua được một lượng điều lớn để cuối năm xuất khẩu được nhân điều chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc thu mua này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ gặp nhiều thách thức do chất lượng điều của một số nước châu Phi trước đây không cao.
Trong khoảng một thời gian dài, các đoàn công tác của T&T Group liên tục có các chuyến thăm Bờ Biển Ngà, Guinea Bissau, Tanzania,... để trực tiếp kiểm tra chất lượng hàng hóa và cân nhắc các tình huống khi bao tiêu tổng lượng điều xuất khẩu của các thị trường này.
Kết quả lấy mẫu và kiểm tra toàn bộ 11 cụm kho điều của Chính phủ Tanzania cho thấy, hạt điều được bảo quản rất tốt, đảm bảo cả chất lượng và số lượng. Dự kiến, những lô hàng điều thô đầu tiên nhập từ Tanzania sẽ về đến Việt Nam vào tháng 9 năm nay, và tổng khối lượng của hợp đồng lịch sử này lên tới 176.000 tấn điều thô.
Đây là hợp đồng thu mua điều có tính chất đặc biệt quan trọng với Tanzania. Tổng thống Tanzania đã trực tiếp chỉ đạo, Bộ Tư pháp kiểm duyệt chặt chẽ và thông qua, bởi đây là hợp đồng có tác động lớn tới ngành nông nghiệp của quốc gia châu Phi.
Hợp đồng bán điều thô cho Tập đoàn T&T Group của Tanzania không những ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu của Tanzania mà còn tác động đến hầu hết các đơn vị nhập khẩu hạt điều trên toàn cầu.
Trước đó, Chính phủ Tanzania đã rất nỗ lực để tìm các đối tác mua lô hạt điều thô kể trên từ các quốc gia Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Kenya… nhưng không thành công do không thỏa thuận được giá bán. Sau hơn 6 tháng nỗ lực tìm kiếm, Chính phủ Tanzania đã tìm được Tập đoàn T&T Group làm đối tác cho vụ thu mua lịch sử.
Sẽ hình thành “van điều chỉnh” điều cho thị trường
Cùng thời điểm đó, bối cảnh trong nước ghi nhận 7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 240.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD (giá bình quân 7.538 USD/tấn). Thực tế là ở thời điểm này, giá nhân điều chưa được tốt, đang trên đà giảm giá chung của cả thế giới.
Tuy nhiên, chính nhờ việc thu mua điều thô của T&T Group, cộng với diễn biến mới nhất của thương chiến Mỹ - Trung (Trung Quốc thay vì mua hạnh nhân của Mỹ chuyển sang nhập khẩu hạt điều của Việt Nam) khiến cho giá điều nhân có xu hướng đi lên. Một khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, lượng điều nhân xuất sang Trung Quốc có lượng tăng lên tới 50% so với cùng kỳ.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân trong nước tương đối lệ thuộc nguồn cung điều thô từ một số doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, nhiều thời điểm, chúng ta bị ép giá, bị phụ thuộc vào lượng nguyên liệu khiến cho thụ động trong kế hoạch sản xuất, không ít lần gặp vướng mắc trong tiến độ trả hàng cho đối tác.
Chính vì vây, việc T&T Group mua điều thô của Tanzania sẽ hình thành “van điều chỉnh” điều thô - nhân cho thị trường thế giới, có lợi cho ngành điều Việt Nam, đang được xem là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp trong nước thường quan tâm nhất là giá điều nhân tới đây sẽ lên hay xuống? Theo nhận định chung, nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu sẽ tốt hơn, giá có thể đi lên. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, giá lên mà nguồn điều thô không đủ thì doanh nghiệp cũng bị “trói tay”.
Chưa kể, khi chúng ta đáp ứng được số lượng, dần dần, chính quyền Mỹ và châu Âu sẽ áp đặt thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất cấm sản phẩm …
Đại diện của T&T Group cho biết, trong thời gian tới, sau khi hàng về Việt Nam sẽ quan sát thị trường và điều chỉnh lượng điều thô sao cho có lợi nhất với các nhà máy chế biến.
“T&T Group tuyệt đối không bán xả hàng làm ảnh hưởng đến giá nhân điều xuất khẩu của Việt Nam”, vị này cho biết thêm.
Ngoài ra, T&T Group dự định cho phép các đơn vị đối tác thanh toán theo hình thức 95/5 thay vì 98/2 có lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, khi mua bán giao dịch điều thô với đối tác nước ngoài, các nhà sản xuất trong nước thường phải trả trước tới 98% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi lô hàng được giao kiểm tra đúng với hợp đồng ký kết. Nay T&T Group đưa ra mức thanh toán 95/5 là rất ưu đãi với đối tác.
Trong thời gian tới, T&T Group kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng lượng thu mua điều thô từ các nước châu Phi lên cao hơn. Ngoài Tanzania thì Bờ Biển Ngà, Guinea Bissau cũng đã trở thành bạn hàng của T&T Group.
Nhiều khả năng, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển sẽ trở thành đơn vị nhập khẩu điều tiết thị trường khi chiếm hơn 15% tổng số điều thô nhập khẩu vào Việt Nam.