Aa

SCIC dự kiến bán đấu giá cổ phần Vinaconex vào ngày 8/12

Thứ Sáu, 17/11/2017 - 06:01

Trong những năm tiếp theo, Vinaconex sẽ tập trung hoàn thiện dự án Splendora và theo ước tính của TGĐ VCG thì năm 2018, dự án này sẽ mang về 430 tỷ đồng lợi nhuận thuần, trừ đi các chi phí phát sinh sẽ còn hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 16/11 đã diễn ra buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư Vinaconex (VCG). Hiện tại, SCIC đang là cổ đông lớn nhất và sẽ thoái 96,25 triệu cổ phiếu VCG (21,79%) ngay trong tháng 12 năm nay. Sau giao dịch này, SCIC vẫn còn nắm giữ 36% cổ phần VCG.

Đai diện SCIC cho biết giá khởi điểm chào bán VCG sẽ được công bố vào ngày CBTT (dự kiến 28/11). Giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu VCG tại ngày chào bán. Số lượng cổ phần đặt mua tối thiểu 5.000. Bước giá 100 đồng, bước khối lượng 10 cổ phần.

Việc chào bán sẽ diễn ra khi có trên 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham dự. Trong trường hợp có 1 NĐT đăng ký mua hợp lệ, SCIC sẽ bán thỏa thuận trực tiếp cho NĐT nếu có văn bản chấp thuận trước 17h ngày dự kiến tổ chức chào bán. Nhà đầu tư tham dự sẽ đặt cọc 10% giá trị giao dịch theo giá khởi điểm.

Mức giá sàn tại ngày chào bán (dự kiến 8/12/2017) được xác định từ kết quả giao dịch phiên đóng cửa, lúc 14h45 ngày giao dịch trước đó. Trường hợp mức giá sàn cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với mục tiêu của NĐT, NĐT có thể lựa chọn hủy đăng ký cho đến 15h30 ngày hết thời hạn đăng ký.

Tiếp tục tập trung tái cấu trúc VCG, dự án Splendora dự kiến mang về hơn 400 tỷ lợi nhuận năm 2018

Trả lời câu hỏi đã có nhà đầu tư tổ chức nào quan tâm tới VCG chưa? Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết: “Đếm trong hội trường cũng phải gần 100 nhà đầu tư từ các quỹ, tổ chức trong và ngoài nước tham dự đã cho thấy sức hấp dẫn của VCG. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều NĐT quan tâm VCG hơn nữa. Tuy nhiên, để chắc chắn nhất thì phải đợi đến khi xuống tiền đặt cọc thì mới có thông tin chi tiết về nhà đầu tư”.

Về câu hỏi sau đợt chào bán 21,79% này, SCIC sẽ tiếp tục nắm giữ dài hạn 36% cổ phần còn lại tại VCG hay đã có kế hoạch thoái toàn bộ vốn? Chủ tịch SCIC cho biết theo quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ thì ngành nghề kinh doanh của VCG không thuộc lĩnh vực mà Nhà nước nắm quyền chi phối/nắm giữ lâu dài.

Bên cạnh đó, SCIC cũng có lộ trình thoái vốn toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có VCG đến năm 2020. Thời gian thóa vốn cụ thể sẽ cân nhắc, tính toán để mang lại lợi ích nhất cho VCG cũng như SCIC.

Trả lời câu hỏi của đại diện Muzuho Bank liệu có hạn chế nào với NĐTNN tham gia đấu giá? Ông Chi cho biết do VCG có ngành nghề kinh doanh là bất động sản và bị giới hạn room NĐTNN ở mức 49% và đây là điểm hạn chế duy nhất.

Với VCG, việc tái cấu trúc tập đoàn, thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên là trọng tâm trong chiến lược giai đoạn 2017- 2021. Tuy nhiên, thời gian thoái vốn khỏi các công ty con sẽ được VCG cân nhắc và tiền thoái vốn sẽ được tập trung, dồn lực vào 2 Công ty mới thành lập chuyên về xây lắp và đầu tư kinh doanh BĐS.

Trong những năm tiếp theo, VCG sẽ tập trung hoàn thiện dự án Splendora và theo ước tính của TGĐ VCG thì năm 2018, dự án này sẽ mang về 430 tỷ lợi nhuận thuần, trừ đi các chi phí phát sinh sẽ còn hơn 200 tỷ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top