Aa

Sẽ có luật riêng để xử lý các bất cập của BOT hiện nay

Thứ Tư, 23/08/2017 - 15:03

Tháng 9 công bố kiểm toán thêm 24 dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. Và những bất cập của BOT hiện nay cần có luật riêng.

Ngày 22.8, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, để điều chỉnh những bất cập của BOT hiện nay thì cần có luật riêng. Hiện luật này đang được soạn thảo để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 21.8, kiểm toán thông tin trong tháng 9 sẽ có kết luận kiểm toán 24 dự án BOT giao thông, trong đó có dự án đang gây tranh cãi tại Cai Lậy, Tiền Giang. Thông tin ban đầu cho biết, kết quả kiểm toán đã giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm đối với 24 dự án này và nhìn chung các dự án lần này vẫn vi phạm các lỗi quen thuộc như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý...

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: T.L.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: T.L.

Trong lần này, Kiểm toán Nhà nước sẽ nhấn mạnh đến việc tăng cường công khai, minh bạch các dự án BOT và việc quyết toán phải thực hiện sớm, tính toán doanh thu, chi phí chính xác để có thời gian thu phí một cách đúng đắn nhất để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước.

Trước đó, báo cáo kiểm toán 2016 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập sau khi kiểm toán 27 dự án BOT như tiền sai đơn giá, sai khối lượng 180,37 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán, xác định lưu lượng phương tiện không phù hợp với thực tế, cơ chế kiểm tra giám sát quá trình thu phí còn lỏng lẻo.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng BOT đã tạo ra nhiều thành công, đặc biệt là việc huy động được khoản đầu tư lên tới 340.000 tỉ đồng và không tạo sức ép lên nợ công. Tuy nhiên những bất cập cũng được chỉ ra. Đó là hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế; công tác lập, thẩm định phương án tài chính còn nhiều nội dung chưa hợp lý; công tác chọn nhà đầu tư còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn; thi công giám sát chưa chặt chẽ.

“Cái yếu nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở pháp lý của BOT là hiện nay chúng ta vẫn chỉ đạo việc rà soát lập theo nghị định chứ chưa được phát triển hóa bằng luật mà bị chi phối bằng những luật khác, thì đó là một hạn chế tương đối lớn” - ông Kiên cho biết.

Trên cơ sở thực tế của BOT, Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Quốc hội là sớm xây dựng luật về đối tác công tư, trong đó tập trung xử lý tất cả các vấn đề về bất cập BOT.

Trong đó có những quy định cụ thể như: Quy định về trình tự, thủ tục đấu thầu và lựa chọn đầu tư, xác định rõ được trong đối tác công tư thì trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư là làm đến đâu; bổ sung quy định về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần như thế nào; hạn chế tối đa chỉ định thầu, tăng cường đấu thầu, hoàn thiện mẫu hợp đồng BOT trong đó thể hiện rõ phân quyền khi Nhà nước nhượng quyền, ban hành các thông tư hướng dẫn về quản lý giá, xác định chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng; ban hành quy đình về thanh quyết toán hợp đồng, chế tài xử lý;

Trách nhiệm các chế tài mạnh hơn đối với các nhà tư vấn và nhà thầu thi công; rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật về khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình; xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho người sử dụng dịch vụ, phản hồi về cung cấp dịch vụ nhà đầu tư đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để đảm bảo hài hòa giữa trong nước và quốc tế nhằm thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư nước ngoài bằng dự án BOT trong giai đoạn mới.

Theo ông Kiên, hiện có 3 vấn đề khiến BOT chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, đó là: Chưa đáp ứng được yêu cầu tỉ suất lợi nhuận trên 15%, chưa đáp ứng yêu cầu về bảo lãnh rủi ro với bên thứ ba nếu thay đổi chính sách và vấn đề tỉ giá ngoại tệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top