Aa

Sẽ đấu thầu rộng rãi việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Thứ Sáu, 12/05/2017 - 11:51

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó kết luận nêu rõ, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy cần phải thực hiện trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư và các cơ chế, chính sách đầu tư trước khi báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội về dự án, trong đó làm rõ hơn về tổng mức đầu tư; tiến độ thực hiện (khởi công và hoàn thành); phân tích sự cần thiết, hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù gắn với tiến độ thực hiện dự án.

Về cơ chế, chính sách đầu tư: Các cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để thu hút nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, cần đảm bảo các nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch (không thực hiện chỉ định thầu).

Các bộ, ngành có cơ chế giám sát chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ; có người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chống thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; không kiến nghị Quốc hội việc cung cấp bảo lãnh (gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng).

Việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam sẽ được đấu thầu rộng rãi. Ảnh minh họa

Việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam sẽ được đấu thầu rộng rãi. Ảnh minh họa

Đối với các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến bằng văn bản, gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/5/2017 để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đồng ý đưa đoạn Dự án Dầu Giây - Phan Thiết vào triển khai chung toàn tuyến. Thường trực Chính phủ sẽ họp cho ý kiến về dự án này.

Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ được thành lập để chỉ đạo triển khai đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo triển khai Dự án; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện dự án.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn vốn trong nước để có thêm nguồn lực đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc cung cấp tín dụng, bảo đảm Nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn chủ sở hữu theo đúng quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư PPP, không để tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền vay ngân hàng để thực hiện dự án BOT.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế giám sát thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, bảo đảm chặt chẽ.

Liên quan đến tuyến đường này, mới đây, sau khi được Thủ tướng chấp thuận cấp cho 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất lên Chính phủ phương án đầu tư giai đoạn 1 của tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 684km với tổng mức đầu tư hơn 140.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, để đảm bảo hiệu quả, dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành ba giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 tổng chiều dài các đoạn được đầu tư xây dựng mới khoảng 603km (dự kiến từ năm 2017 - 2022) dự án sẽ tiến hành xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa, đường tỉnh 655B) - Phan Thiết (Bình Thuận) theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT, với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m.

Riêng đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức PPP với quy mô bốn làn xe cao tốc, nền đường rộng 25m; mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) từ quy mô hai làn xe lên thành bốn làn với chiều dài khoảng 81km.

Giai đoạn 2 (dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2028) dự án sẽ tiến hành đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Cam Lâm (Khánh Hòa, đường tỉnh 655B), với quy mô bốn làn xe cao tốc, nền đường rộng 17m.

Tổng chiều dài giai đoạn 2 của dự án khoảng 688km với mức đầu tư dự kiến khoảng 103.196 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ khoảng 44.456 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 58.740 tỷ đồng.

Giai đoạn 3 của dự án được dự kiến triển khai sau năm 2028 hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc-Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 69.123 tỷ đồng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top