Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đề nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ triển khai các quy định của pháp luật về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển có tính cấp bách để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý.
Nội dung công văn nêu: Các địa phương có biển phải xem xét rà soát lại các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã công bố, trường hợp có sự bất cập cần nghiên cứu điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Đối với các địa phương có biển chưa công bố Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm hoàn thiện danh mục này, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan theo quy định của pháp luật và hoàn thiện trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố trước ngày 31/12/2019.
Thực hiện nghiêm quy định tại Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có kế hoạch cụ thể, tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án ven biển trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, thu hồi theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt là các dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ hệ sinh thái và quyền tiếp cận của người dân với biển theo quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Ngoài ra, tiến hành rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, các quy hoạch ngành được công bố trên địa bàn của tỉnh, các khu vực có hệ sinh thái cần bảo vệ, khu vực cần duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên, các khu vực bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở, nhất là các khu vực ven bờ biển, bờ đảo để bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh ven biển còn hàng trăm dự án chưa triển khai, sai phạm. Cụ thể: Tháng 8/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đã xem xét thu hồi hàng chục dự án nghỉ dưỡng ven biển chậm triển khai đầu tư.
Trong đó, trên địa bàn thị xã La Gi có 40 dự án; tại TP. Phan Thiết với nhiều dự án chậm triển khai như Khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với diện tích 25ha; Dự án khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty cổ phần khách sạn nhà hàng Hồng Phúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010 với diện tích khoảng 20ha; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Lý II của Công ty cổ phần đầu tư An Thiên Lý với diện tích 45ha;…
Tại tỉnh Quảng Nam, chính quyền tỉnh cho biết trên địa bàn tỉnh cũng có tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, không triển khai hoặc có dấu hiệu "xí phần" đất, ghim đất đợi tăng giá rồi chuyển nhượng như: Dự án Khu đô thị 7A (16,5ha) do Cty Cổ phần địa ốc Đại Việt Miền Trung làm chủ đầu tư, được giao đất từ 2008 nhưng đến 2013 vẫn chưa triển khai; Dự án khu đô thị số 6 Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty Chí Thành làm chủ đầu tư được giao 53,8ha xây dựng từ 2012 nhưng đến 2016 dự án vẫn dở dang, nhếch nhác, nợ nần...