Aa

Siết chặt đất nền: Nỗi lo của người lao động!

Thứ Bảy, 16/04/2022 - 06:06

Những ngày qua, dư luận nhiều tỉnh, thành xôn xao về thông tin các ngành quản lý chức năng sẽ siết chặt thị trường bất động sản, hạn chế hoạt động phân lô, tách thửa bán đất nền.

Lo lắng của nhiều người dân có nhu cầu thực sự, bức bách về nhà ở, là với diễn biến này, cơ hội sở hữu đất nền xây dựng nhà cửa, đảm bảo cuộc sống an cư với họ sẽ ngày càng xa vời!

Người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở cần tìm mua những lô đất đã được quy hoạch, đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng

Điều được người dân xác định rõ là vấn đề sở hữu đất nền xây dựng nhà ở đã được pháp luật công nhận từ lâu, và đất nền xây dựng nhà ở, từ bao năm qua đã được định vị là tài sản được Nhà nước bảo vệ. Trong khẩu ngữ dân gian bao đời qua có câu “miếng đất cắm dùi”. Đây là quan niệm cố hữu của mỗi người, mỗi gia đình về tài sản gắn liền với đất, quyền được sở hữu, sử dụng đất ở đúng nhu cầu và xây dựng một cuộc sống an cư ổn định.

Loạn đất nền, thị trường cần chấn chỉnh

Những năm qua, dựa vào các lỗ hổng trong quản lý quy hoạch đất đai tại các địa phương, thị trường bất động sản đã hiện hữu tình trạng khó kiểm soát về hiện trạng mua bán, giao dịch đất đai tự do trong xã hội. Nhiều khu đô thị, làng mạc xuất hiện tình trạng người dân tự phân lô tách thửa, bán đất nền “núp bóng” danh nghĩa nhà và đất ở trên chính các khu vực đất đã quy hoạch canh tác, trồng trọt hoặc đất rừng.

Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư cũng tận dụng các cơ hội điều chỉnh quy hoạch, thiếu chặt chẽ trong quản lý đất đai, các chủ trương hỗ trợ người dân khi chỉnh trang, phát triển các khu vực đô thị, dân sinh, để cải biến nhiều khu vực đất đai nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất nhà ở. Từ đó, một thị trường nhà đất biến động phức tạp, không ngừng nâng giá đầu cơ đã hiện diện khắp các tỉnh thành, gây hoang mang và bất bình dư luận.

Trước tình hình đó, dĩ nhiên các cấp ngành, chính quyền các địa phương cũng hết sức vận động, khuyến cáo người dân cảnh giác trước biến động thị trường, đặc biệt không tham gia vào những “đợt sóng” thị trường về giao dịch đất đai, chuyển quyền sử dụng đất, tránh hình thành những sự vụ chuyển đổi đất ở đầy áp lực làm biến động giá đất đai. Trong đó, vấn nạn tỷ lệ đất nền phân lô tại các vùng đô thị mới hình thành, thông qua hồ sơ đăng ký chuyển đổi đất và nhu cầu sử dụng đất, làm tăng áp lực lên hệ thống quản lý và thị trường là chiếm đa số.

Đây là lý do khiến thời gian gần đây, chính quyền và cơ quan chức năng buộc phải rà soát, chấn chỉnh diễn biến tăng đất nền tự phát, đăng ký chuyển quyền đất dạng phân lô bán nền… ở nhiều địa phương; từ chối các trường hợp phân lô, tách thửa… không đúng, không đủ điều kiện hoặc bất hợp lý.

Đơn cử Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội mới đây đã phải ra văn bản yêu cầu các cấp cơ sở siết chặt tình trạng phân lô đất nền trên thị trường, nhằm chấm dứt tình trạng nhiều khu vực đất canh tác bị biến đổi sang đất ở, sau đó lại tách thành các thửa đất nhỏ và rao bán tràn lan, gây bức xúc dư luận.

Người lao động bức xúc bởi đất nền là nhu cầu chính đáng

Vấn đề đáng quan tâm là đi cùng những động thái quyết liệt, nghiêm khắc của các cấp chính quyền quản lý, lại nảy sinh một hiện trạng gây tâm lý bức xúc ở nhiều người dân. Đó là động thái đề xuất tăng cường siết chặt quản lý đất nền bằng cách quy định người đăng ký sở hữu đất nền phải có thời gian cụ thể xây dựng nhà ở, triển khai các công trình, dự án đúng đăng ký. Nếu không tuân thủ, các hạng mục đất đai đăng ký sẽ bị xem xét thu hồi.

Nếu nhìn qua, đề xuất này tương tự quy định các cá nhân, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở các dự án lớn, buộc các chủ sở hữu có trách nhiệm với các phần đất đai đăng ký. Song đứng từ góc độ người lao động, người có thu nhập trung bình, đòi hỏi thời gian đưa đất đai vào sử dụng, xây dựng, sẽ là một áp lực nặng nề.

Thực tế đa số người lao động, lâu nay muốn sở hữu một lô đất đúng chủ quyền không phải là điều đơn giản. Thu nhập hạn hẹp, điều kiện đầu tư tích lũy khó khăn luôn cản trở ước mơ chính đáng của nhiều người khi muốn có một căn nhà để an cư. Nhất là với người dân các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, quan niệm nhà phải gắn liền đất ở đã là tư duy cố hữu, rất ít người chấp nhận chọn nhà ở chung cư, không gian sinh hoạt chung để đăng ký. Ngay những sinh viên mới ra trường, cũng ao ước tự tạo lập cơ hội đăng ký một lô đất làm nhà ở. Do đó, kết quả có được khát vọng này, nhiều người, nhiều gia đình phải mất nhiều năm tích lũy, sau đó phải tích cóp lần hồi mới xây dựng được nhà ở.

Việc kiểm soát phân lô, tách thửa, ngăn chặn đầu cơ tích lũy đất... cần tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu thực sự bức thiết về nhà ở

Nếu các cơ quan chức năng lựa chọn yêu cầu quy định thời hạn xây dựng nhà ở nhằm hạn chế tình trạng giao dịch, sở hữu đất nền tràn lan, ngăn chặn động cơ đầu cơ tích lũy đất đai ở những người có tài sản lớn, giới kinh doanh… thực sự sẽ gây khó khăn cho chính những hộ dân có nhu cầu chính đáng về nhà và đất ở. Thậm chí ngay những gia đình hiện đã có được đất ở nhưng chưa đủ tài chính xây nhà, cũng sẽ phải chấp nhận bán đất đi và cơ hội có được nhà ở càng xa vời hơn nữa. Tất cả sẽ tạo nên một gánh nặng tâm lý mới cho xã hội.

Theo kiến nghị của một số đơn vị đầu tư, giải pháp ngăn chặn tình trạng giao dịch đất nền tràn lan, chỉ nên là tăng khung giá thuế quyền sở hữu các phần đất thứ ba, thứ tư; kiểm soát chặt công tác quản lý, công bố quy hoạch đất đai ở các địa phương; xử lý nghiêm những trường hợp công chức cấu kết giới đầu cơ trục lợi nhà đất… Với người dân, cần vận động họ chọn mua, đăng ký sở hữu những lô đất khu dân cư, dự án đô thị đã có đầy đủ pháp lý, hạ tầng, do các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện, để người dân nhận được các cơ chế hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng hợp tác, qua đó thực sự đạt ước mơ an cư, được xây dựng ngôi nhà ổn định với quyền sở hữu đất nền dài lâu và hợp pháp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top