TS. Nguyễn Minh Phong: “Siết tín dụng đột ngột có thể dẫn tới vỡ kế hoạch của doanh nghiệp”

TS. Nguyễn Minh Phong: “Siết tín dụng đột ngột có thể dẫn tới vỡ kế hoạch của doanh nghiệp”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 06/12/2022 - 06:09

“Đầu năm tăng tốc nhưng cuối năm thì hết room, tăng giảm giật cục sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo.

*********

Trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu đều gặp khó khăn, kênh tín dụng ngân hàng được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp. Chiều 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới room tín dụng cả năm lên 15,5 -16% thay vì 14% như ban đầu.

Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Thống đốc yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai khá tốt vai trò điều hành trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động phức tạp năm vừa qua, cần linh hoạt hơn để góp phần duy trì động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023.

TẠO SỰ CHỦ ĐỘNG CHO CÁC NGÂN HÀNG VÀ DOANH NGHIỆP

PV: Nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng ngay từ tháng 10 khi tăng trưởng GDP đã vượt yêu cầu, lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong khi doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn về vốn. Theo ông, làm sao để chính sách tín dụng nhịp nhàng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp? 

TS. Nguyễn Minh Phong: Khách quan mà nói thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khá tốt hoạt động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa phục hồi tăng trưởng sau đại dịch. Thế nhưng, riêng trong điều hành về room tín dụng cũng như hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thì có một số điểm cần lưu ý thêm:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước buộc phải quy định trần room tín dụng và trong bối cảnh hiện nay vẫn phải tiếp tục duy trì, nhưng phương thức điều hành cần linh hoạt hơn theo 2 hướng: Một là giao tổng room từ đầu năm; Hai là điều hành trên cơ sở để cho các ngân hàng và khách hàng chủ động lập kế hoạch với nhau, chứ không phải giao cho một con số nào đó để rồi diễn ra tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột, khiến cho doanh nghiệp có thể vỡ kế hoạch. Lý do là bởi doanh nghiệp không vay ngay một khoản lớn mà đầu tư tới đâu thì vay tới đó.

Vì vậy, nếu chỉ tính một mục tiêu chung thôi thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ở giai đoạn cuối năm, chuyện đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn người lao động, tạo thành gánh nặng cho xã hội.

Tôi lưu ý thêm là năm nay có điểm rất đặc biệt ở chỗ hầu hết các doanh nghiệp đều bị hạn chế hợp đồng, nhất là các ngành công nghiệp dệt may, da giầy, gỗ… Do đó nếu không giải ngân kịp để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch kinh doanh mới thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng không chỉ trong năm nay mà sang cả năm 2023, không chỉ một nhóm doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Rõ ràng hoạt động điều hành room tín dụng, cộng với vấn đề thời kỳ phân bổ cần phải linh hoạt hơn, tạo sự chủ động hơn cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải thật linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn đi đúng hướng. Mới nhất trong buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu ngày 4/12, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. 

PV: Nhưng cũng có băn khoăn là nới room tín dụng thì lại phải đối diện với áp lực lạm phát và tăng dự trữ bắt buộc, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Thứ nhất, khi đã tính toán sớm và xác định được tổng room không đổi thì cơ bản không lo ngại tới kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, ở giai đoạn tháng 10 tới nay các thống kê cho thấy lạm phát được kiểm soát khá tốt, vì vậy cần linh hoạt nới room cho những ngân hàng, doanh nghiệp, hợp đồng có triển vọng và kết quả kinh doanh tốt. Về nguyên tắc, lâu dài thì cần phải bỏ room, nhưng bỏ ngay thì chưa được vì có thể ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng rõ ràng cuối năm rồi mà mức lạm phát khá thấp thì hoàn toàn có thể điều chỉnh và việc Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room lên 15,5 - 16% là phù hợp lúc này.

Thứ ba, không chỉ room mà tốt nhất là Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc hơn và áp quy định hệ số an toàn kèm theo, sẽ giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào room. Nếu làm tốt công tác kiểm soát dự trữ an toàn, cộng với hệ số dự trữ bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát lạm phát rất tốt. Room chỉ là hình thức xin - cho thôi, còn tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực, cộng với dự trữ bắt buộc. Tức là ngân hàng mà cho vay nhiều thì phải dự trữ nhiều hơn, cho vay ở những lĩnh vực mức độ an toàn không cao thì phải nâng hệ số đảm bảo an toàn. Với hướng quản lý như vậy thì các ngân hàng tự đảm bảo lợi ích của mình và làm tốt thì họ có thể tăng tỷ lệ cho vay.

Đấy là hướng thị trường và đảm bảo tính minh bạch cũng như tính chủ động chính sách của các ngân hàng và doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thấy rằng hệ số an toàn cần phải cao thì sẽ thận trọng hơn. Ngân hàng cho vay thấy lĩnh vực nào rủi ro thì cũng phải thận trọng hơn, đặc biệt buộc phải đưa vào các yếu tố kiểm soát bắt buộc cao hơn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm dần được những can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của các ngân hàng, cũng có nghĩa là loại bỏ dần tình trạng điều hành mà nhiều người cho là “giật cục”.

Trong bối cảnh hiện nay, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước cũng đã cố gắng điều chỉnh được hệ lãi suất liên ngân hàng không tăng quá nhanh, quá nhiều, quá mạnh. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý là sự điều chỉnh nên giãn ra chứ đừng để tăng dồn dập vì cùng thời điểm nới room như vậy sẽ lại tạo ra cuộc đua lãi suất huy động, ảnh hưởng trực tiếp tới lãi suất cho vay cũng như kiểm soát lạm phát.

PV: Đây quả là một bài toán rất khó thưa ông, bởi vì mục tiêu lớn nhất vẫn phải là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thời gian vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã hai lần phải điều chỉnh tăng lãi suất. Mặc dù tăng lãi suất sẽ có tác động nhất định tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng buộc phải điều chỉnh nhằm chống lạm phát tiền tệ?

TS. Nguyễn Minh Phong: Như chúng ta đã biết, trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5%, đồng thời điều chỉnh tăng một số nhóm lãi suất khác. Đến cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6%, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng từ 6% lên 7%.

Diễn biến lãi suất huy động vốn trong nước cũng tăng, với lãi suất cho vay các kỳ hạn trên 12 tháng của nhiều ngân hàng đã lên tới mốc xấp xỉ 10%/năm, mặt bằng lãi suất tăng cao hơn khoảng 20% so với lãi suất huy động giai đoạn từ tháng 8 trở về trước, thậm chí hiện tại một số ngân hàng đã công bố lãi suất huy động vượt 11%.

Rõ ràng để đối phó chống mất giá đồng tiền Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất, nhưng cái khó ở chỗ nếu tăng quá mức thì sẽ làm tăng lãi suất cho vay và dẫn tới tăng áp lực chi phí vốn, tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy. Tức là các doanh nghiệp buộc phải tiếp cận vốn với lãi suất cao hơn, họ sẽ cộng với chi phí sản xuất để đưa ra giá thành, như vậy mặt bằng giá cả xã hội sẽ tăng lên do tổng đồng loạt mặt bằng lãi suất cho vay tăng. Như vậy, từ mục tiêu chống lạm phát tiền tệ, chúng ta lại tạo áp lực đẩy, lạm phát chi phí lên và sau đó lại làm mất hiệu lực kiểm soát lạm phát tiền tệ. Vì vậy, sự linh hoạt trong điều hành là rất quan trọng, nếu không tinh tế thì chúng ta chống được cái này lại hỏng cái kia và cuối cùng lạm phát vẫn lên.

Đấy là chưa kể nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp sẽ mất động lực đầu tư, nền kinh tế mất độ tăng trưởng. Vấn đề này thì Ngân hàng Nhà nước đang có sự cân nhắc, nhưng rõ ràng việc bơm ra liên tiếp các gói qua nghiệp vụ thị trường mở cũng là một cách để các ngân hàng có thể giảm bớt huy động trực tiếp trên thị trường. Thay vào đó có thể huy động thông qua việc cho vay lại của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn sẽ giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại và khi đẩy tới các doanh nghiệp thì cũng không phải chịu lãi suất cao. Việc này cũng thể hiện sự linh hoạt rất đáng ghi nhận trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH THÔNG THOÁNG, THU HÚT VỐN CHO CÁC DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

PV: Trên thực tế thì một số ngân hàng cũng đang phải chạy đua tăng lãi suất tiền gửi vượt 11%/năm. Nếu như xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục kéo dài thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong năm 2023?

TS. Nguyễn Minh Phong: Về nguyên tắc, lãi suất huy động tăng lên thì có hai tác động: tích cực và tiêu cực.

Tác động tích cực ở chỗ giúp những nhu cầu tiêu dùng không cần thiết bị dừng lại để gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Ở một khía cạnh tốt thì nó giúp giảm bớt các tiêu dùng xã hội, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát cầu kéo.

Thứ hai, giúp các dòng tiền được sử dụng một cách hiệu quả hơn, thí dụ vay đầu tư bất động sản, chứng khoán sẽ phải thận trọng hơn, giúp dòng tiền được định hướng một cách thận trọng và đi vào lĩnh vực nào hiệu quả hơn, tránh đầu tư theo kiểu lướt sóng rủi ro như thời kỳ vốn vay rẻ. Từ đó, giúp giảm bớt áp lực thị trường chứng khoán, bất động sản nóng quá mức.

Tác động mặt trái cũng xảy ra ở hai điểm:

Thứ nhất, như tôi đã nói, đó là làm tăng chi phí đẩy, tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy.

Thứ hai, làm giảm tổng cầu xã hội, điều này rất quan trọng. Và khi giảm tổng cầu của xã hội trong khi tăng trưởng dựa vào tổng cầu xã hội trong nước tới 60-70%, như vậy sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó thì có thể làm tăng dòng tiền chạy loanh quanh, rút từ ngân hàng này rồi gửi ngân hàng kia và tạo ra một cuộc đua bất tận, làm tăng hệ lụy của những mặt trái đã nêu ở trên. Đây là những điều cần phải hết sức thận trọng, nếu không các ngân hàng sẽ đổ vỡ kế hoạch cho vay và doanh nghiệp thì cuối cùng “trăm dâu đổ đầu tằm”, lại phải vay với lãi suất cao, thậm chí còn không vay được. Như vậy nó tạo thành những hệ lụy liên quan tới độ tăng trưởng, tới công ăn việc làm, an sinh xã hội, thu ngân sách và cả thu nhập cá nhân nữa.

PV: Việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hiện nay gần như không thể phát hành trái phiếu. Đồng thời lãi suất tăng cũng khiến người mua nhà không dám vay, doanh nghiệp chưa bán được hàng thì không thể triển khai dự án mới và như vậy trở thành một áp lực vòng tròn. Theo ông, cần có giải pháp gì để hoá giải những áp lực này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đúng là với chừng ấy những khó khăn sẽ tạo nên áp lực vòng tròn, trong bối cảnh đấy thì doanh nghiệp cần hành động:

Thứ nhất là phải thận trọng trong vấn đề sử dụng vốn theo hướng giảm bớt dòng vốn ngân hàng đi để tăng huy động vốn nội bộ, vốn từ khách hàng, vốn gọi từ các nguồn khác kể cả nguồn trái phiếu trực tiếp.

Thứ hai là nhà nước phải nới thật nhanh các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta đã có Nghị quyết 43 của Quốc hội, hiện nay đang triển khai khá chậm, cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thứ ba là đáng lẽ phải nới phương án cho các doanh nghiệp huy động vốn từ người mua, mà có những quốc gia họ đã làm rồi. Thí dụ đối với những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thì cần đưa ra cơ chế kiểm soát và đẩy nhanh hơn tốc độ triển khai cũng như cho phép huy động vốn sớm từ người mua thay vì triển khai theo thủ tục rồi mới xác định đúng người mua ở. Làm được như vậy thì rõ ràng doanh nghiệp cũng được lợi, ngân hàng được lợi và người dân cũng được lợi và để triển khai được thì phải có chỉ đạo, tháo gỡ ở tầm Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn TS.Nguyễn Minh Phong trả lời phỏng vấn của Reatimes!

Ngọc Quang
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top