Aa

Siêu đô thị lấn biển của Việt Nam tương lai ‘vươn ra biển lớn’, sánh tầm với đô thị nổi tiếng của Dubai, Singapore

Thứ Bảy, 10/05/2025 - 22:04

Dự án không chỉ là bước đột phá về quy hoạch mà còn mang theo khát vọng định hình một trung tâm kinh tế - tài chính - nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực.

Siêu đô thị lấn biển mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho TP. HCM

Khởi công từ tháng 4/2024, dự án Vinhomes Green Paradise - khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đang từng bước khẳng định vị thế là siêu đô thị ven biển có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Với tổng diện tích lên tới 2.870ha, trong đó phần lấn biển chiếm hơn 1.357ha, dự án lớn gấp hơn 7 lần quận 4 và gần 1,5 lần khu Nam Sài Gòn. Đây cũng là khu đô thị đầu tiên tại Việt Nam được phát triển theo mô hình ESG (môi trường – xã hội – quản trị), hướng tới hình thành một thành phố sinh thái – thông minh – nghỉ dưỡng mang tầm vóc khu vực. Dự kiến sau khi hoàn thành, Green Paradise sẽ đón khoảng 230.000 cư dân sinh sống và 8–9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, tương đương gần 15% tổng lượng du khách đến TP. HCM hiện tại, trở thành điểm hội tụ động lực tăng trưởng mới không chỉ cho Cần Giờ mà còn cho toàn vùng kinh tế phía Nam.

Siêu đô thị lấn biển của Việt Nam tương lai ‘vươn ra biển lớn’, sánh tầm với đô thị nổi tiếng của Dubai, Singapore- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án. Ảnh: Vingroup

Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Vinhomes Green Paradise được xác định là tổ hợp đô thị đa chức năng với hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị – hội thảo M.I.C.E, khu tài chính – thương mại, khách sạn cao cấp, nhà ở sinh thái, khu vui chơi giải trí và các hạng mục của đô thị thông minh. Không gian kiến trúc được quy hoạch đồng bộ, tổ chức xoay quanh mặt nước sinh thái trung tâm là hồ biển nhân tạo rộng 450ha, kết hợp cùng hệ thống kè biển dài gần 18km. Tổng diện tích mặt nước, cây xanh và bãi cát chiếm tới 975ha, đóng vai trò như "lá phổi thứ hai" cho TP. HCM bên cạnh khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Một trong những điểm nổi bật làm nên dấu ấn của dự án là hệ thống công trình biểu tượng có quy mô hàng đầu Đông Nam Á, bao gồm tháp đa năng 108 tầng tại mũi Hải Đăng, hồ biển nhân tạo lớn nhất thế giới, rạp hát lớn nhất khu vực, hai sân golf quốc tế, chuỗi khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại hiện đại, công viên nước, quảng trường biển và đặc biệt là hệ thống y tế cao cấp hợp tác cùng Cleveland Clinic – đơn vị y tế hàng đầu Hoa Kỳ.

Siêu đô thị lấn biển của Việt Nam tương lai ‘vươn ra biển lớn’, sánh tầm với đô thị nổi tiếng của Dubai, Singapore- Ảnh 2.

Phối cảnh toà tháp 108 tầng ở mũi Hải Đăng thuộc khu C khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Ảnh: Huyện Cần Giờ

Đồng hành cùng xu thế toàn cầu về phát triển bền vững, Green Paradise đặt mục tiêu trở thành đô thị ESG kiểu mẫu với hạ tầng sử dụng năng lượng sạch từ cụm điện gió ngoài khơi cách bờ 10km, giao thông xanh, hệ thống metro trên cao và vật liệu thân thiện môi trường.

Đô thị Việt Nam có cơ hội 'vươn ra biển lớn'

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không chỉ dừng lại ở quy mô hay giá trị biểu tượng, mà còn đại diện cho tư duy quy hoạch đô thị mới của TP. HCM – chuyển dịch từ đô thị lõi sang không gian mở hướng biển. Từ một vùng ven bùn lầy, xa xôi và cách trở, Cần Giờ đang được tái định hình trở thành cực tăng trưởng chiến lược của thành phố, đóng vai trò cửa ngõ kinh tế hướng ra biển Đông.

Theo báo Tuổi trẻ, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Phước Hưng cho biết, dự án thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc khai thác thế mạnh kinh tế biển, đồng thời tạo nền tảng để Cần Giờ trở thành trung tâm tài chính – kinh tế – du lịch mới, sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực và thế giới.

Siêu đô thị lấn biển của Việt Nam tương lai ‘vươn ra biển lớn’, sánh tầm với đô thị nổi tiếng của Dubai, Singapore- Ảnh 3.

Marina Bay của Singapore. Ảnh Internet

Thực tế cho thấy, Green Paradise hoàn toàn có cơ sở để đặt lên bàn cân với các mô hình đô thị lấn biển đã thành danh trong khu vực châu Á. Nếu so với Marina Bay của Singapore - biểu tượng đô thị tài chính – thương mại hiện đại hình thành từ lấn biển với diện tích khoảng 360ha thì Green Paradise có quy mô lớn gấp 6-8 lần. Đô thị của Singapore thành công ở tính tích hợp, đồng bộ giữa quy hoạch - chính sách - đầu tư - biểu tượng. Đây là bài học lớn mà TP. HCM có thể tham khảo khi phát triển lấn biển không chỉ để mở đất, mà là cơ hội tái thiết một trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ theo chuẩn quốc tế.

Palm Jumeirah được xây dựng trên vùng biển ngoài khơi của vịnh Ba Tư, Dubai rộng khoảng 560ha, nổi tiếng toàn cầu với hình dáng cây cọ và chuỗi biệt thự triệu đô sát biển. Dự án thành công về mặt hình ảnh và định vị thương hiệu, nhưng lại thiếu các chức năng của một đô thị bền vững. Phục vụ chủ yếu cho tầng lớp siêu giàu và du khách quốc tế, Palm Jumeirah phát triển mạnh bất động sản nghỉ dưỡng nhưng thiếu các thiết chế hành chính, giáo dục, y tế, việc làm. Với Green Paradise, định hướng phát triển lại toàn diện hơn, phục vụ đồng thời cả nhu cầu sống thực, nghỉ dưỡng và thương mại – điều Việt Nam cần gìn giữ nếu muốn tránh đi vào lối mòn "vỏ hào nhoáng, lõi rỗng".

Dự án Forest City tại Johor Bahru (Malaysia) – một "thành phố xanh không xe hơi" rộng 1.740ha từng được ca ngợi là đô thị của tương lai. Thế nhưng đến nay, nhiều toà nhà tại đây vẫn gần như vắng bóng cư dân. Mô hình đầu tư phụ thuộc vốn ngoại, hạ tầng kết nối yếu và định hướng thị trường thiếu thực tiễn khiến Forest City trở thành một lời cảnh báo. Green Paradise, ngược lại, có lợi thế lớn khi được phát triển bởi tập đoàn nội địa nhiều kinh nghiệm, có định hướng phục vụ cả người ở thực và khách du lịch, nằm gần trung tâm TP. HCM và trong vùng liên kết kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ các mô hình quốc tế trên, có thể thấy Green Paradise đang đứng trước cơ hội hiếm có để trở thành biểu tượng đô thị ven biển mới của châu Á. Dự án không chỉ có quy mô vượt trội, mà còn hội tụ đủ yếu tố của một mô hình phát triển bền vững: tích hợp đa chức năng, hài hòa giữa kinh tế - sinh thái - xã hội, có chiều sâu bản sắc và chiến lược kết nối vùng. Nếu được triển khai đúng định hướng, Green Paradise sẽ không chỉ đưa TP. HCM "ra biển lớn", mà còn đưa hình ảnh một Việt Nam hiện đại, năng động và trách nhiệm vươn lên xứng tầm khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top