Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có lịch sử hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực trong đó có hợp tác hoạt động về xây dựng, bất động sản, công nghiệp công nghệ và vật liệu xây dựng... Việt Nam dành nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư Nhật Bản, từ đó các doanh nghiệp Nhật Bản có đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam, mặt khác quá trình hợp tác này cũng mang lại kết quả rất tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước bạn.
Liên quan trực tiếp đến ngành Xây dựng, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thể hiện qua nhiều hoạt động như tư vấn quy hoạch, đầu tư phát triển chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng, thực hiện công trình giao thông công cộng... Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị nhất là đô thị thông minh hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản thường xuyên hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam để Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư về chính sách đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng dự án, cởi mở trao đổi những vấn đề thúc đẩy tiến độ dự án đúng quy định của pháp luật.
Cũng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG báo cáo, BRG Group là đối tác chiến lược tại Việt Nam của Tập đoàn Sumitomo, vốn là tập đoàn kinh tế lớn thứ ba tại Nhật Bản. Liên danh hai tập đoàn cùng nhau thực hiện dự án tiêu biểu nhất là dự án thành phố thông minh Bắc Đông Anh, Hà Nội. Vào cuối 2015, Liên danh Sumitomo và BRG được UBND TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết khu đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài với nguồn chi phí do BRG Group tự chi trả.
Tuy nhiên, dự án này từng gây xôn xao vì sự chênh lệch về tổng vốn đầu tư. Trong khi phía BRG khẳng định tổng mức đầu tư khoảng hơn 4 tỷ USD thì một tờ báo Nhật tiết lộ về một kế hoạch phát triển hạ tầng của 20 công ty của nước này quan tâm đầu tư tại phía Bắc Hà Nội, với con số được cho là lên tới 37,3 tỷ USD.
Nguồn vốn lớn này có thể đến từ chính các công ty, vốn ODA của Nhật và sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật. Đây là một phần của nỗ lực triển khai chính sách của Chính phủ Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe về việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước đang phát triển.
Hơn nữa, theo kế hoạch của chủ đầu tư, siêu dự án thành phố thông minh tỷ USD ở Đông Anh từng được hứa hẹn khởi công vào tháng 10 năm 2018. Tuy nhiên, lịch khởi công dự án đã lùi chậm gần 1 năm so với kế hoạch. Chính phủ cũng như dư luận vẫn chưa biết câu trả lời của chủ đầu tư là “sẽ sớm triển khai” thì cụ thể là bao giờ.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định: “Khu vực được quy hoạch xây dựng thành phố thông minh là miếng đất đắc địa nhất hiện nay, sẽ phát triển nhanh nhất so với các khu vực khác của Hà Nội những năm sắp tới. Có thể nói, đó là “miếng giò lụa” cuối cùng của thủ đô để có thể xây dựng “ra tấm ra miếng” và khoe với thiên hạ bởi trước đây, việc xây dựng phát triển đô thị còn lắt nhắt, chắp vá”.