Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, về năng lực tài chính, nhà đầu tư đề nghị tăng tổng vốn đầu tư của dự án từ 1,5 tỷ USD lên 1,59 tỷ USD, tăng 90 triệu USD (tương đương 2.043 tỷ đồng).
Tuy nhiên trong hồ sơ gửi kèm văn bản đề nghị điều chỉnh dự án, nhà đầu tư lại không giải trình nguồn để tăng vốn đầu tư và không cung cấp Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng và Công ty LG Display Co. Ltd (công ty mẹ tại Hàn Quốc).
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị BQL khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư bổ sung Báo cáo tài chính nói trên để thẩm tra năng lực tài chính trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.
Về cơ cấu vốn, nhà đầu tư đề nghị trong số 1,59 tỷ USD tổng vốn đầu tư (tương đương 35.616 tỷ đồng) sẽ có số vốn góp để thực hiện dự án không thay đổi là 100 triệu USD (tương đương 2.240 tỷ đồng).
Như vậy, dù tổng vốn đầu tư tăng lên thành 1,59 tỷ đồng thì vốn góp vẫn chỉ chiếm 6,29% tổng vốn. Việc đầu tư bổ sung hoàn toàn từ nguồn đi vay trong khi cơ cấu vốn góp mỏng dẫn đến tình hình tài chính không lành mạnh, không đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị BQL khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư có phương án điều chỉnh cơ cấu vốn góp, vốn vay (tăng tỷ trọng vốn góp) nhằm đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh hơn.
Về nghĩa vụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính cho hay, quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư tại địa bàn khu kinh tế, quy định về không áp dụng ưu đãi thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS sản, quy định về trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN.
Tương tự, chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với người làm việc tại khu kinh tế đã được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật về thuế TNCN.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị BQL khu kinh tế Hải Phòng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế TNDN và thuế TNCN.
Với thuế giá trị gia tăng (GTGT), trường hợp UBND TP.Hải Phòng phê duyệt bổ sung phần diện tích đất của công ty (là doanh nghiệp chế xuất) thuê để xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân vào diện tích đất của doanh nghiệp chế xuất và bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân là hạng mục đầu tư của doanh nghiệp thì hạng mục này được áp dụng quy định về thuế GTGT cho doanh nghiệp chế xuất.
Còn về thuế nhập khẩu, dự án được hưởng chính sách ưu đãi như: phần dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016 được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo Giấy phép đã cấp năm 2016 và được đảm bảo ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án.
Đối với phần dự án đầu tư mở rộng, do dự án thuộc địa bàn ưu đãi thuế theo quy định tại Nghị định 118 của Chính Phủ (tháng 11/2005) nên dự án được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định.