Dịch cúm Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình doanh nghiệp và người dân. Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban) đề xuất về việc cho 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng (hiện đã lên tới 285.000 tỷ đồng) hỗ trợ do ảnh hưởng bởi Covid 19 với lãi suất 0% trong thời hạn ít nhất 3 năm.
Siêu ủy ban cho biết, dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. Ngoài ra sẽ có 8/19 tập đoàn, cổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.326 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
Vậy hiểu thế nào về gói hỗ trợ doanh nghiệp 285.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi lãi suất?
Khi các ngân hàng thương mại thực hiện những chương trình hỗ trợ vốn cho các đối tượng, thì từ phía Ngân hàng Trung ương cũng sẽ có các động thái hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại thông qua các hình thức: Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, hoặc giảm tỷ lệ dữ trự bắt buộc cho các ngân hàng thương mại, mua lại trái phiếu... Nếu có các cam kết như vậy, các ngân hàng thương mại mới có trách nhiệm và cam kết thực hiện các chương trình hỗ trợ theo mục tiêu của Chính phủ, vì các ngân hàng thương mại cũng là các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cho vay ưu đãi vẫn là cho vay, nghĩa là có vay phải có trả. Ngân hàng cũng muốn cho vay ưu đãi trúng và đúng chủ trương của Chính phủ. Do đó, cần xem xét những trường hợp yêu cầu được hỗ trợ.
Đối với khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thông qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trong sách trắng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy hệ số vốn/sản lượng (số vốn cần thiết để sản xuất một đơn vị sản lượng) ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm.
Xét về hiệu quả hoạt động kinh doanh của khối này cho thấy, năm 2011, các DNNN cần 1,8 đồng vốn tạo để ra 1 đồng doanh thu thuần, đến năm 2018 tỷ lệ này tăng lên 3,06 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần. Điều này phản ánh những thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình không hiệu quả, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết...
DNNN sử dụng vốn không hiệu quả nhưng nguy hiểm là nguồn vốn cơ bản là vốn vay. Nợ vay của khối DNNN cao hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011 - 2015, trong 100 đồng vốn của khối DNNN chỉ có 25 đồng là vốn chủ sở hữu, 75 đồng là nợ phải trả.
Do đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 3,02:1. Đến năm 2018, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu là 4,3:1, nghĩa là khối DNNN chỉ có 01 đồng vốn mà đi vay tới 4,3 đồng để hoạt động.
Tách riêng khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng rất cao, năm 2018 tỷ lệ này là 3,2:1, so với tỷ lệ bình quân toàn khối là 4,3:1 ở trên, cho thấy tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm 100% vốn có mức nợ còn cao hơn, đa phần trong đó là các DNNN không được Nhà nước bảo lãnh, không được xem như nợ công nên nguy cơ rủi ro cho vay cũng rất cao.
Vì thế, cho vay ưu đãi khu vực DNNN, nếu không có một sự cam kết nào đó giữa Chính phủ và ngân hàng thì rất khó thực hiện. Nếu Chính phủ yêu cầu ngân hàng “mở” gói cứu trợ kiểu này đòi hỏi phải rất cần minh bạch về chủ đích và phải rất cụ thể.
Như trên đã nói, các DNNN hiệu quả sử dụng vốn thấp, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở mức báo động, nếu cho vay ưu đãi trong 3 năm với lãi suất 0%/năm như đề xuất của Siêu ủy ban, vậy làm sao hoàn lại số tiền đã vay cho ngân hàng thương mại, giảm nguy cơ gây ra nợ xấu, tránh chồng thêm khó khăn cho ngân hàng ngay cả ở hiện tại và trong tương lai.