Aa

So “bó đũa“, chọn... cổ phiếu ngân hàng

Chủ Nhật, 25/04/2021 - 12:07

Từ đầu tháng 3 đến nay nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh và góp phần giúp VN-Index vượt qua 1.200 điểm, đánh dấu một thời kỳ tăng trưởng mới của chứng khoán Việt Nam.

Tuy thế sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng rất không đồng đều, có những cổ phiếu đã trở nên quá đắt và vẫn còn những cổ phiếu khá rẻ.

Sacombank tiếp tục không chia cổ tức

“Trường hợp ngân hàng còn nợ xấu ở VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) chưa xử lý thì không được chia cổ tức bằng cổ phiếu”, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định trong một cuộc trao đổi gần đây với người viết bài này.

Cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank STB) có lẽ sẽ không vui khi năm nay STB vẫn không được chia cổ tức dù bằng cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, Sacombank hiện còn 27.322 tỷ đồng nợ xấu ở VAMC nên sẽ không được chia cổ tức.

Vậy tại sao trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2021 đã công bố trên trang web, ngân hàng này lại đề cập chuyện chia cổ tức? Lý do từ năm 2015 đến nay, đại hội năm nào cổ đông Sacombank cũng phàn nàn không có cổ tức.

Lãnh đạo ngân hàng đã giải thích Sacombank đang thực hiện Đề án tái cơ cấu và NHNN không cho phép chia. Tuy nhiên cổ đông vẫn hỏi và Sacombank buộc phải dẫn giải trong tài liệu: “Nguồn lợi nhuận giữ lại 6.000 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến sử dụng lợi nhuận giữ lại này để chia cổ tức cho cổ đông nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện”.

Thực tế năm nào ngân hàng cũng đệ trình và NHNN cũng nói “không” theo luật định. Vì sự trả lời nhắc đi nhắc lại, mới xuất hiện sự không trùng khớp của con số 6.000 tỷ đồng, trong khi trên báo cáo tài chính đến ngày 31/12/2020 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sacombank là 7.303 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu đã “leo dốc”

Từ đầu tháng 3 đến nay thị giá STB đã tăng từ vùng 18.000 đồng lên quanh 22.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, tương ứng mức tăng hơn 20%. Những kỳ vọng về việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã hỗ trợ sự tăng giá của STB, nhưng việc xử lý số nợ còn lại ở VAMC cũng như khoản lãi và phí phải thu còn tới 17.500 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2020, là một thách thức không nhỏ với ban lãnh đạo Sacombank trong năm nay và các năm tới.

Cùng đạt mức tăng trưởng trong thời gian trên là cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng từ vùng giá quanh 42.000 đồng lên 50.000 đồng/cổ phiếu. Cá biệt cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã tăng một mạch từ 16.000 đồng lên 26.000 đồng dù không có thông tin nào đáng chú ý về kết quả kinh doanh cũng như xử lý nợ xấu. SHB là cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nếu không muốn nói cao nhất trong nhóm ngân hàng.

Tăng trưởng tầm 10% trong vòng bảy tuần kể trên có cổ phiếu MSB (Ngân hàng TMCP MSB), MBB (Ngân hàng TMCP Quân Đội), NVB (Ngân hàng TMCP Quốc Dân)... Trong khi đó cổ phiếu của một số “anh tài” giẫm chân tại chỗ như TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương quanh 40.000 đồng/cổ phiếu; HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM quanh 26.000 đồng/cổ phiếu; TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong quanh 28.000 đồng/cổ phiếu; ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu quanh 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng kể nhất trong số những cái tên mới niêm yết là SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á khi thị giá vươn tới 27.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu dù đây là một tổ chức tín dụng tầm trung với lợi nhuận trước thuế những năm qua khiêm tốn.

Những cổ phiếu rẻ

Sự đắt rẻ của các cổ phiếu ngân hàng chỉ mang tính tương đối tùy thuộc vào thời điểm và tình hình chung của toàn thị trường chứng khoán cũng như hoạt động của thị trường tiền tệ. Hiện tại so với mặt bằng chung của cổ phiếu ngân hàng, trong nhóm tầm trung, cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông được nhìn nhận là hấp dẫn.

Trong ba năm qua, OCB luôn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 30%/năm và mức chia cổ phiếu 25 - 30%/năm, cả bằng tiền lẫn cổ tức. Năm nay OCB sẽ trả cổ tức 25% bằng cổ phiếu, thuộc tốp cao trong ngành. Với vốn điều lệ 10.950 tỷ đồng và tổng tài sản, dư nợ, huy động vốn tương đương với SSB, nhưng lợi nhuận năm ngoái của OCB gấp 2,5 lần SSB, trong khi thị giá cổ phiếu hiện thấp hơn SSB trên 20%. Từ tháng 3 khi các cổ phiếu ngân hàng đi lên, OCB thuộc nhóm giẫm chân tại chỗ, quanh 24.000 đồng.

Thị giá cổ phiếu một ngân hàng có quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, các chỉ tiêu tài chính khác tương đương OCB là TPB cũng cao hơn thị giá cổ phiếu OCB hơn 20%.

Trong nhóm ngân hàng nhỏ, cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt đang được định giá thấp so với giá trị thực. Giao dịch trên UpCom nhưng thanh khoản khớp lệnh hàng ngày của BVB ổn định ở mức 1,3 - 1,5 triệu đơn vị. Ngân hàng này chuẩn bị trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15% và tìm đối tác chiến lược ngoại. Kể từ khi lên sàn vào quý III năm ngoái, tính đại chúng của BVB đã gia tăng mạnh khi số lượng cổ đông “nhảy vọt” từ 900 người lên 6.500 người.

So với những “đồng nghiệp đồng trang lứa” của nhóm tổ chức tín dụng có vốn điều lệ trên dưới 3.000 tỷ đồng như Sài Gòn Ngân hàng Công thương (SGB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VBB), Ngân hàng TMCP Kiên Long(KLB)..., Ngân hàng Bản Việt đã giải quyết sạch nợ xấu tại VAMC. Bản Việt thuộc nhóm những ngân hàng đầu tiên hoàn thành ba trụ cột của Basel 2 và triển khai hệ thống IFRS9 quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.

Số lượng các ngân hàng đang có mặt trên cả ba sàn đã vượt 25 và nhóm ngân hàng đang chiếm tỷ trọng áp đảo trong hầu hết các chỉ số từ VN-Index, VN30 đến VNDiamond, VNFinLeads. Tổng giá trị và khối lượng giao dịch của cổ phiếu ngân hàng rất lớn, được hấp thụ tốt bởi các nhà đầu tư cũ Fn và mới F0. Chỉ trong tháng 3/2021 hơn 113.000 tài khoản chứng khoán mới đã được mở. Chứng khoán đang dần trở thành kênh đầu tư cạnh tranh với gửi tiết kiệm và bất động sản. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top