Aa

Cổ đông ngân hàng lại thích cổ tức bằng cổ phiếu

Thứ Sáu, 16/04/2021 - 16:54

Mùa đại hội năm nay, cổ đông các nhà băng không còn đòi cổ tức bằng tiền, mà hào hứng với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Vẹn cả đôi đường

Ông Nguyễn Thanh Tâm, một nhà đầu tư mở tài khoản tại sàn ACBS cho biết, từ đầu năm đến nay, ông cùng với một số người bạn đã mua vào cổ phiếu của các ngân hàng VIB, ACB, HDBank.

Không chỉ kỳ vọng giá cổ phiếu tăng trưởng khi lợi nhuận của ngành ngân hàng đang khởi sắc, ông Tâm còn chờ đợi được chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi các năm gần đây, những ngân hàng này đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao.

Theo ông Tâm, trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” đang tăng, cổ tức bằng cổ phiếu là mối quan tâm chung của các cổ đông ngân hàng.

Trong khi đó, với các nhà băng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vẹn cả đôi đường, vừa đáp ứng mong chờ của cổ đông vừa có thể tăng vốn điều lệ.

Đại hội cổ đông thường niên 2021 của VIB tổ chức hồi cuối tháng 3 đã thông qua mức cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2020 là 40%; ACB quyết định chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu và HDBank dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu.

OCB cũng dự kiến chia cổ tức năm 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm nay. Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết, ngoài việc chia 25% cổ tức 2020 bằng cổ phiếu, năm nay, Ngân hàng còn bán tiếp 10% cổ phần (room ngoại còn lại) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 3 năm gần đây, ACB, OCB, VIB, HDBank đều chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thay vì chia tiền mặt như trước đây.

VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40%. Ảnh: Dũng Minh.
VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40%. Ảnh: Dũng Minh.

BIDV cũng chọn phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Hầu hết các ngân hàng đều trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu trong mùa đại hội năm nay, thay vì tiền mặt.

Cổ phiếu còn dư địa tăng

Mặc dù đã tăng mạnh trong quý đầu năm nay, song theo nhận định từ giới chuyên gia phân tích, giá cổ phiếu “vua” vẫn còn dư địa tăng.

Trong báo cáo chiến lược tháng 4/2021 vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường chứng khoán trong tháng 4 nhờ triển vọng kinh doanh tích cực.

VDSC dự đoán, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của Công ty là 26% trong năm 2021.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của các ngân hàng vừa công bố cũng khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 115% so với cùng kỳ 2020 nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng rủi ro tăng trưởng âm.

Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 25.200 tỷ đồng, nhưng quý đầu năm, Ngân hàng đã ghi nhận khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 28% kế hoạch cả năm.

Còn tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho biết, ước tính lãi trước thuế quý I đạt từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí thanh toán trước từ hợp đồng bancassurance với Manulife), cao hơn 135 - 175% so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm ngân hàng tầm trung, SeaBank công bố con số 698,3 tỷ đồng trước thuế trong quý đầu năm, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. MSB báo lãi 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ. MB ghi nhận con số 4.000 tỷ đồng lợi nhuận quý I.

Hầu hết ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh năm nay. Chẳng hạn, MSB, VIB cùng đặt mục tiêu tăng 30%, BIDV đặt mục tiêu tăng hơn 40%, SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, Techcombank tăng 25%... so với năm 2020.

Nhà đầu tư Tâm nhẩm tính, nếu ngân hàng chia cổ tức 25% bằng tiền thì một nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu chỉ được nhận 25 triệu đồng, trong khi nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư có thêm 2.500 cổ phiếu.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, vượt xa thị giá, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn nhiều, bởi thông thường, trong bối cảnh thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng phục hồi lại vùng trước khi chia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top