Aa

Sở hữu 2 nhà trở lên bị đánh thuế: Không nên đánh thuế đại trà

Thứ Năm, 03/11/2016 - 12:21

Nếu coi thuế là công cụ để tạo cân bằng xã hội thì trước khi quyết định đánh thuế với người sở hữu BĐS thứ 2, nên chăng Bộ Tài Chính tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi đánh thuế vào đối tượng nào chứ không phải là đánh thuế đại trà.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề án đánh thuế BĐS, đặc biệt đối với người có hai căn nhà trở lên. Và, nếu được thực thi, cơ chế này sẽ giúp cho thị trường BĐS bền vững, lành mạnh hơn.

Ngoài ra, việc đánh thuế này giúp phòng chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở, và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, liệu việc đánh thuế cá nhân sở hữu hai căn nhà trở lên có giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hay không đang dấy lên nhiều tranh cãi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thuế đất phải nộp ít hơn so với giá trị thật

Theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được áp dụng vào năm 2012 quy định các loại đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế, áp dụng thuế là 0,03% trên bảng giá đất, đối với diện tích đất ở trong hạn mức, áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; và áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức.

Giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố lại chỉ bằng khoảng 30% giá đất thực tế trên thị trường, nên mức thuế phải nộp rất thấp so với giá trị thật.  

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, một căn nhà 100m2 ở đường Đồng Khởi, quận 1 có giá đất 162 triệu đồng/m2, theo bảng giá đất (giá thị trường lên đến trên 1 tỷ đồng/m2), thì chỉ áp mức giá tính thuế là 162 triệu x 100m2 = 16,2 tỷ đồng, mức thuế phải nộp là 16,2 tỷ đồng x 0,03% = 4,86 triệu đồng/năm.

Các quốc gia đánh thuế BĐS thế nào?

Việc đánh thuế BĐS đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, đơn cử tại Hàn Quốc, đánh thuế các dòng sản phẩm BĐS là 0,15% - 0,5% đối với nhà riêng, 0,25% đối với nhà chung cư, 4% đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí, 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Tại Singapore, đánh thuế BĐS thứ 2 rất cao, lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3 vào năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch (HoREA) cho biết, nhiều nước trên thế giới xem thuế BĐS (bao gồm cả nhà và đất) là một nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Tại Mỹ, việc đánh thuế BĐS do các tiểu bang quy định mức thuế khác nhau. Ví dụ như tại bang California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị BĐS/năm (bao gồm nhà và đất), còn áp dụng tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%.

Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), mức thuế lại phân biệt theo từng phân khúc bất động sản, như áp dụng mức thuế 1,2% - 2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng; 3% - 5% đối với công trình thương mại. Như vậy, ngay trong chính ý kiến của mình ông Đực cũng thừa nhận việc ngay tại nước Mỹ đã có chính sách thuế khác biệt giữa các tiểu bang. Bên cạnh đó, ông Đực cho rằng tại Việt Nam, có thể “lách luật” bằng cách để người thân đứng tên.  

Không nên đánh thuế đại trà

Từ việc Bộ Tài chính nghiên cứu lập đề án đánh thuế BĐS, HOREA đề xuất không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng, nhà cấp 4 trở xuống. Không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2.

Việc đánh thuế đối với người sở hữu căn nhà thứ 2 sẽ bộc lộ nhiều bất cập giữa số lượng và chất lượng nhà. Chị Nguyễn Thị Mai Hiên đang ở một căn chung cư cũ tại Quận 11 cho biết hiện chị đang sở hữu 3 bất động sản bao gồm căn hộ 40 m2 đang ở, một căn hộ 20 m2 tại Quận 4, một căn nhà cũ của ông bà ở quê.

Thực tế, đây là tài sản của mấy đời trong một gia đình, ở quê không ai ở chỉ làm nhà thờ, căn chung cư 20 m2 tại Quận 4 để cho mấy đứa cháu có chỗ chui ra chui vào. Nếu bị đánh thuế, không nhẽ bán nhà thờ tổ? Dù mang tiếng sở hữu 3 BĐS nhưng nếu đem so sánh với người sở hữu 1 BĐS như biệt thự vài chục tỷ tại Quận 7 thì giá trị 3 BĐS của chị Hiên chưa bằng 1/20.

Nếu coi thuế là công cụ để tạo cân bằng xã hội thì trước khi quyết định đánh thuế với người sở hữu BĐS thứ 2, nên chăng Bộ Tài Chính tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi đánh thuế vào đối tượng nào chứ không phải là đánh thuế đại trà.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top