Aa

Sở hữu 2 nhà trở lên sẽ bị đánh thuế: Làm gì để không đi vào "vết xe đổ"?

Thứ Hai, 31/10/2016 - 16:24

Bộ Tài chính có dự định đánh Thuế Tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều, chẳng hạn, với những người có 2 - 3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế, trên thực tế, việc này đã được nhắc đến từ hơn 5 năm trước song tại thời điểm đó đề xuất không được Quốc hội thông qua.

Mới đây, trả lời báo chí một số vấn đề về kế hoạch ngân sách tài chính 5 năm sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tính đến thuế tài sản, đặc biệt sẽ đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai trở lên.

Trao đổi trên Vietnamnet, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đang tập hợp thông tin để nghiên cứu. Việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật, và cần Quốc hội cho vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

“Định hướng là sẽ nghiên cứu thuế tài sản áp dụng với nhà cửa và một số loại tài sản khác”, đại diện Vụ chính sách thuế cho hay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hạn chế đầu cơ lãng phí

Trao đổi với VnEconomy, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc đánh thuế từ bất động sản thứ hai trở đi là hợp lý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, đây là chính sách vừa đảm bảo tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí nhà ở.

Trả lời Vietnamnet, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà vì hiện nay nhà ở không phải chịu thuế. Ở Việt Nam không đánh thuế vào tài sản trên đất mà chỉ đánh vào đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá đất của nhà nước.

“Các nước đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Riêng nguồn thu từ thuế đó đủ cho phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo ông Võ, để chống đầu cơ, các nước cũng tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên.

Ở Mỹ, mua một mảnh đất không phải bỏ nhiều tiền. Chỉ khoảng 100-200 nghìn USD, người dân có thể sở hữu một căn nhà, nhưng có đủ tiền đóng thuế không mới là quan trọng. Nhiều trường hợp mua xong nhà nhưng không có tiền trả thuế.

“Đó là chính sách rất hay của Mỹ trên nguyên tắc giá thấp thì thuế cao. Thuế thấp thì giá cao. Việt Nam lại lựa chọn mức thuế thấp giá cao. Như thế rất mất cân đối với thu nhập và tạo ra những hệ quả xấu, tiêu cực trong phát triển kinh tế xã hội”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho tăng, việc giữ nhà thì phải nộp thuế là góp phần cho thị trường bất động sản phát triển với đầy đủ trách nhiệm.

Phải giải quyết được nhiều bất cập

Trên thực tế, việc đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất được nhắc đến từ hơn 5 năm trước với tên gọi là Thuế Nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất. Song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, theo nhiều ý kiến, chính sách đưa ra là hợp lý nhưng khâu thực hiện cần giải quyết được những bài toán như làm sao đánh thuế mà không cản trở hoạt động của doanh nghiệp, làm sao để tránh được tình trạng "lách" luật, xác định chủ sở hữu bất động sản dựa trên cơ sở nào?...

Trả lời Vietnamnet, PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cũng tỏ ra đồng tình với định hướng đánh thuế đối với người có từ nhà thứ hai trở lên.

Song, ông Định cho rằng việc tính toán mức thu thế nào cần được xem xét kỹ vì hiện nay số thuế, phí phải nộp của nhiều cá nhân, tổ chức đã ở mức cao. Nếu đánh thuế quá cao sẽ gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cũng như túi tiền của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - đánh giá, việc hạn chế đầu cơ BĐS, tránh bong bóng cho thị trường BĐS bằng cách thu thuế là giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần cân nhắc việc thực hiện. Ông Châu đưa ra dẫn chứng, với việc đánh thuế từ nhà thứ 2, thứ 3, tuy nhiên trên thực tế tại TP.HCM có nhiều nhà mua cả 3 căn hộ thì diện tích cũng chỉ xấp xỉ 100m2, trong khi đó, có người mua 1 căn nhà lên tới vài trăm mét vuông.

“Vậy nên, có công bằng với những người sở hữu nhiều nhà, diện tích bé bị đánh thuế trong khi có người mua 1 căn nhà nhưng diện tích lớn”, ông Châu đặt câu hỏi. Vấn đề nữa, theo ông Châu, làm sao để biết 1 người chỉ sở hữu 1 nhà đất hay 2 - 3 căn nhà. “Việc này cơ quan thuế có làm được không khi cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành”, ông Châu nêu quan điểm trên báo Lao Động.

Ngoài ra ông Châu cũng lưu ý đến việc nhiều người sẽ tìm cách "lách" luật

“Nếu mua 5 căn hộ trong một dự án thì dễ thấy, nhưng nếu mua 10 căn ở 10 dự án khác nhau thì làm sao biết? Hay một người mua một căn nhà ở TP.HCM, một căn ở Đà Nẵng, một căn ở Cà Mau… ai quản lý và kiểm soát được? Đó là chưa kể, tình trạng khá phổ biến hiện nay là một người sở hữu một căn nhà và đứng tên sở hữu, nhưng lại để cho người thân như vợ, con, cha mẹ đứng tên, thì cơ quan thuế cũng khó có căn cứ để đánh thuế" - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nói trên báo Thanh Niên.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cho rằng,phải giải được bài toán hạn chế việc lách luật: “Khi bị đánh thuế có thể cho người thân đứng tên. Và không loại trừ, khi thực hiện thì người mua nhà bắt tay ngầm với cán bộ thuế để kê khai chỉ mua 1 nhà”, ông Đực cho biết.

Vì sao không được Quốc hội thông qua năm 2009?

Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân. Ở thời điểm đó, mục tiêu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở.

Trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất, và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất, mà không phải là đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất.

Do đó, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất. Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc áp dụng thuế tài sản nên không chỉ với nhà ở còn có nhiều loại tài sản có giá trị lớn khác như ôtô, máy bay, tàu thủy, du thuyền...

“Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Và đặc biệt, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho Ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu lại không nhỏ”, ở thời điểm đó, ông Hiển đã nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top