Aa

Số người sử dụng thực phẩm chức năng tăng nhanh

Thứ Hai, 03/12/2018 - 09:30

Nếu như năm 2000 chỉ khoảng 500.000 người (0,5% dân số) biết và sử dụng thực phẩm chức năng thì năm 2017, số người dùng đã tăng lên 21,48% dân số.

PGS-TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: Những sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 1999 là những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ. Đến năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1872 công ty sản xuất kinh doanh với 3447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm 56,45%.

Bên cạnh đó, số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng. Năm 2000, số người biết và sử dụng thực phẩm chức năng còn rất ít, chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn ước tính chỉ có khoảng 500.000 người, sử dụng (khoảng 0,5% dân số). Đến năm 2005 có sấp xỉ khoảng 1.000.000 người sử dụng thực phẩm chức năng (chiếm 1,1% dân số) chỉ ở 23 tỉnh.

so nguoi su dung thuc pham chuc nang tang nhanh
Người tiêu dùng được truyền thông để hiểu đúng-dùng đúng thực phẩm chức năng

Nhưng đến năm 2010 đã có khoảng 5.700.000 người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh thành cả nước. Và năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên 21,48% dân số. Hầu hết các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán thực phẩm chức năng và sử dụng thực phẩm chức năng.

TS. Trần Đáng cho biết, thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật.

Thực phẩm chức năng thường được biết đến với những công dụng như chống lão hoá, kéo dài tuổi thọ; tạo sức khoẻ sung mãn; tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật; hỗ trợ làm đẹp con người; hỗ trợ điều trị bệnh tật; làm tăng hiệu quả của tân dược và giảm tác dụng phụ của tân dược…

ở Việt Nam, để phát triển thực phẩm chức năng ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn xã hội “hiểu đùng-làm đúng-dùng đúng” thực phẩm chức năng; có kế hoạch nuôi trồng dược thảo trong thực phẩm chức năng và phương thức khai thác, sử dụng hợp lý; quy định điều kiện sản xuất, công bố thực phẩm chức năng; kiểm soát, lưu thông, phân phối-lưu thông trong nước và nhập-xuất khẩu; nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP theo hướng định lượng được các hoạt chất tạo nên tác dụng của sản phẩm;

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao công nghệ hiện đại; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt các nước có ngành thực phẩm chức năng phát triển; xây dựng văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

T. An

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top