Kéo dài thời gian xử lý sai phạm để hợp thức hóa?
Ngày 02/12/2020, Reatimes đăng tải bài viết Dự án khủng Đông Bình Dương được Thủ tướng chấp thuận chưa?. Theo đó, UBND tỉnh và Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương đã ra văn bản xử phạt chủ đầu tư và đơn vị môi giới dự án Đông Bình Dương. Dự án khủng Đông Bình Dương còn nhiều khuất tất về pháp lý.
Được biết, dự án Đông Bình Dương có quy mô khủng lên đến 126,7ha, chủ đầu tư mới chỉ lập thủ tục đất đai với diện tích 110,1ha. Sau nhiều quyết định xử phạt, dư luận vẫn nghi vấn dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư hay chưa? Theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên, thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Theo diễn biến vụ việc tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương, vì hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Lần 1 vào ngày 13/01/2020 và lần 2 vào ngày 29/9/2020.
Theo quyết định xử phạt số 25/QĐ-XPVPHC, ngày 13/01/2020, đúng 2 tháng sau, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã phải tổ chức cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, phải hơn 8 tháng sau Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn mới ra quyết định xử phạt lần 2.
Đến nay đã qua tháng 12, quá 60 ngày kể từ khi ông Lê Hữu Nhơn ra quyết định xử phạt lần 2 (vào ngày 29/9/2020). Vậy ông Lê Hữu Nhơn sẽ tiếp tục ra quyết định xử phạt hay chỉ đạo cưỡng chế công trình? Việc xử phạt hay cưỡng chế (nếu có) sẽ được tiến hành vào lúc nào? Đây là những vấn đề dư luận đang đặt ra cho Sở Xây dựng cũng như UBND tỉnh Bình Dương.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương làm trái Nghị định 139/2017/NĐ-CP?
Trả lời phỏng vấn Reatimes về việc xử lý sai phạm xây dựng không phép tại dự án Đông Bình Dương, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn cho rằng, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế, đối với những sai phạm tại Dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.
Như Reatimes đã thông tin trong bài Chánh Thanh tra Lê Hữu Nhơn lần thứ 2 xử phạt Công ty Đông Bình Dương, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Về nguyên tắc khi hết hạn 60 ngày của lần xử phạt trước đó, thì chính quyền phải lập biên bản, ghi nhận việc đã cho thời hạn 60 ngày. Đến lần xử phạt thứ 2 thì không áp dụng cho thêm thời hạn 60 ngày nữa, mà phải thực hiện cưỡng chế phần xây dựng không có giấy phép”.
“Với trường hợp của Công ty Đông Bình Dương, tháng 1/2020, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định xử phạt và cho doanh nghiệp thực hiện việc xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu tại quyết định lần 1 có cho doanh nghiệp thời hạn 60 ngày, mà sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục thi công, thì lần thứ 2 này chỉ áp dụng xử phạt và cưỡng chế chứ không cho thêm thời hạn", Luật sư Trần Đức Phượng nói.
Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định quyền xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế công trình không phép, cho địa phương. Phải chăng Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang làm trái Nghị định, “đá” trách nhiệm cho Bộ Xây dựng, để kéo dài thêm thời gian và tìm cách hợp thức hóa sai phạm, thay vì cưỡng chế?
Trước đó, một tờ báo thuộc Hội Nông dân Việt Nam, dẫn lời ông Lê Hữu Nhơn nói về việc xử phạt Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương rằng: “Mình đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Nếu đây đúng là quan điểm của vị Chánh Thanh tra thì còn đâu tinh thần thượng tôn pháp luật? Phải chăng Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã hết giá trị ở Bình Dương và thông điệp của vị Chánh Thanh tra là doanh nghiệp muốn làm ăn ở tỉnh này thì phải “chạy đi” “chạy lại” nếu không muốn bị “đánh”?