Nó “biến mất” như chưa từng tồn tại, như chuyện “cả ngàn công trình” ấy là chuyện ở Phi Châu.
"Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết!"- Đây là một câu hỏi được đặt ra bởi Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc. Nhưng đó là một câu hỏi chấm than (!)
Bởi những sai phạm trong trật tự xây dựng thủ đô không phải bằng con voi mà bằng quả núi. Mà đúng ra phải bằng cả khu rừng. Đây là một câu trong kết luận thanh tra vụ đất rừng Sóc Sơn vừa được công bố chỉ 24h trước phiên giải trình: “Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng, đã có 797 công trình vi phạm". Vi phạm từ năm 2008, và sau thanh tra, sai phạm cũ không những không được khắc phục mà tiếp tục để xảy ra những sai phạm mới gần như nguyên xi.
Phải nói là vụ lấn rừng, xây dựng trái phép trên đất rừng Sóc Sơn là cực kỳ nghiêm trọng, là một trong những tâm bão dư luận. Bởi nó kéo quá dài, suốt từ 2008 đến nay, với một tốc độ, cường độ và mật độ khủng khiếp.
Có những trường hợp như ông Ngô Văn Cam với tổng diện tích sử dụng khoảng 19ha. Một mình cá nhân này đã chuyển nhượng cho 55 hộ, diện tích gần 130.000m2, các hộ đã xây dựng 69 công trình, diện tích xây dựng khoảng 4.300 m2. Phần còn lại, một mình ông Cam sử dụng gần 60.000m2 xây dựng Khu du lịch Thiên Phú Lâm 57.500m2 với 21 hạng mục công trình.
Không, những vi phạm ở Hà Nội không thể chỉ là một “con voi” được.
“Ngoài rừng” thì khủng khiếp, trong nội đô cũng chẳng kém cạnh gì.
123 công trình siêu mỏng, siêu méo, “siêu xấu mặt” đang tồn tại. Chưa qua 8B Lê Trực lại tới “Chung cư điếu cày”. Năm 2018 không xử lý được bất cứ một trường hợp nào trong 80 công trình sai phạm tồn đọng. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2019, đã lại phát sinh 65 sai phạm mới, xuất hiện thêm 21 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo…
Thanh tra xây dựng đang làm gì? ở đâu vậy khi mà dân “đẩy một cái xe cát vào nhà” cũng biết còn lại thì là chuyện...trên rừng.
Trong phiên giải trình hôm qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhìn nhận khá thẳng, rằng “có biểu hiện cán bộ cơ sở bao che, làm ngơ... khiến nhiều công trình đã vi phạm với quy mô rất lớn rồi mới được phát hiện, gây ra nhiều bức xúc.
Và ông nói quan điểm của TP là phải làm rõ, xử lý nghiêm tất cả những trường hợp dung túng, bao che liên quan đến hợp thức hoá các công trình sai phạm.
Và đây cũng là một con số khách quan: Trong gần 100 cán bộ bị “xử lý” thì 67 trường hợp là “khiển trách”, và nặng nhất cũng chỉ có 5 trường hợp buộc thôi việc.
Xử lý vi phạm không khác gì đứng ngoài rừng hô thật to rồi cắp đít đi về hoặc “hô biến” mất luôn cả cánh rừng vi phạm có phải là cách Thủ đô thiết lập lại trật tự xây dựng?