Aa

Sợi dây nào kết nối hiện tại về quá khứ?

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Tư, 07/11/2018 - 12:01

"Ở đó không còn nơi ấy" - nữ văn sĩ Gertrude Stein đã thốt lên như vậy khi nhận ra rằng Oakland (Mỹ), nơi bà gắn bó thời ấu thơ, đã mất đi những nét riêng của chính mình. Cảm xúc của bà cũng là cảm xúc của rất nhiều người khi chứng kiến một nơi mình đã yêu và gắn bó đang dần thay đổi "hình hài".

Giống như một ngày, người Hà Nội nhận ra, Thủ đô không còn quyến rũ như vốn có, một Sapa không còn mang âm hưởng của núi rừng hồn nhiên và trong trẻo... mà tất cả được thay bằng những nhà cao tầng phơi bê tông trong nắng, những đường cao tốc trơ trọi... Nhưng dù nuối tiếc quá khứ, đô thị hóa vẫn là một quá trình không thể đảo ngược, tức là chúng ta đang vun vút trên con tàu một chiều và không thể quay lại vị trí cũ. Vậy làm thế nào để các đô thị giữ được bản sắc cho mình, làm thế nào để kết nối hiện tại với quá khứ? PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.KTS Tôn Đại, một người từng dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về vấn đề này.

PV: Thưa GS. Tôn Đại, ông nhận định thế nào về thực trạng đô thị Việt Nam hiện nay?

GS.TS.KTS Tôn Đại: Trong thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam, nhiều hành động đã làm hỏng bản sắc đô thị… Ví dụ tại thị xã Bắc Kạn, một tỉnh miền núi vậy mà san bằng hết để tạo nên mặt bằng như một tỉnh miền xuôi và để xây những công trình y như ở đồng bằng. Trên thị trấn Sapa đã làm những con đường bê tông thẳng tắp cứng đờ chạy trên đồi núi đâm vào những thắng cảnh. Ở Tam Đảo, một thành phố trên núi mà xây dựng bao nhiêu nhà cao tầng y như Hà Nội vậy. Hành động này đã phá cảnh quan đặc sắc của một đô thị nghỉ mát có tiếng của miền Bắc.

Còn Hà Nội, TP.HCM thì như đi vào một cơn lốc xoáy, thu nạp và cuốn theo tất cả mọi hình thức kiến trúc trên thế giới nên tất cả trở nên lổn nhổn. Cảnh quan xung quanh hồ Gươm cũng bị bao vây bởi nhà cao tầng…

PV: Cuộc sống luôn không ngừng vận động và đô thị hóa là một quá trình tất yếu không thể thay đổi. Điều gì có thể kết nối được bản sắc của một đô thị từ quá khứ đến hiện tại, thưa ông?

GS.TS.KTS Tôn Đại: Bản sắc của một đô thị là những tính chất phân biệt đô thị đó với những đô thị khác. Một đô thị không có bản sắc là một đô thị không có đặc điểm riêng mà chung chung giống như nhiều đô thị, tựa như một con người không có tên họ riêng của mình vậy.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mỗi nơi chốn đều có một linh hồn riêng, nó được tạo ra từ rất nhiều yếu tố: Lịch sử, con người sống nơi đó, những điều kiện tự nhiên đến kiến trúc, văn hóa… Vì thế khi nhắc đến bản sắc của một đô thị, không đơn thuần chỉ là cát, sỏi, bê tông và các khối nhà. Bản sắc chính là tinh thần, là linh hồn của nơi chốn ấy.

Những gì làm nên bản sắc đô thị này khác với đô thị khác thì ta cần bảo tồn. Việc giữ lại những yếu tố truyền thống cần cân nhắc trong hệ thống mâu thuẫn để những cái đó không cản trở sự tiến hóa phát triển của kiến trúc đô thị. Vậy thì ở đây vấn đề đặt ra là phải giữ được tính bản sắc nhưng là tính chất bản địa đương đại chứ không phải là truyền thống cũ kỹ. William Lim đã từng viết rằng: “Tính bản địa đương đại bây giờ càng được chấp nhận như một công cụ hữu hiệu của đô thị để phát triển nơi thả neo an toàn cho các tàu, nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh và phá hoại đô thị một cách bừa bãi”.

Bản sắc của đô thị xuất phát từ thực tế khách quan của xã hội. Kiến trúc sẽ phản ánh thực tế đó như thế nào. Trước đây, ông cha ta có trong tay các vật liệu như gỗ, tre, nứa, gạch, đá… nên đã dựng nên nhiều ngôi nhà mang chất liệu này. Ngày nay, chúng ta có trong tay bê tông, cốt thép, chất dẻo, kính cường lực hiện đại, không cớ gì lại tự mình “gò” vào cái khuôn cũ rồi cho rằng đó là giữ gìn bản sắc dân tộc. Chúng ta phải sáng tạo ra các công trình mới mang hơi thở thời đại. Và chắc chắn 100 năm nữa, con cháu ta cũng sẽ xây dựng các công trình khác với bây giờ. Vậy điều gì có thể kết nối từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai? Đó chỉ có thể là tinh thần của nơi chốn. Và người kiến trúc sư giỏi, là khi đứng trước các công trình mới, các khu đô thị mới sẽ phải kết nối được tinh thần, linh hồn của nơi chốn ấy.

PV: Câu chuyện bảo tồn và phát triển vẫn luôn là một bài toán khó, đặc biệt với vấn đề trừu tượng như bản sắc đô thị. Xin giáo sư có thể phân tích cụ thể hơn?

GS.TS.KTS Tôn Đại: Xu hướng hiện nay, nhiều công trình của chúng ta thường thuê kiến trúc sư là người nước ngoài thiết kế. Điều đó không có gì lạ, các nước trên thế giới cũng đều như vậy. Và trong các cuộc họp hay hội thảo trình bày ý tưởng, có những ý kiến bình luận như “Ý tưởng này không mang bản sắc Việt Nam” hay không có tính dân tộc… Khi đó, những người nước ngoài hỏi ngược lại, “vậy bản sắc Việt Nam” của các bạn là gì? Các bạn có thể dẫn chúng tôi đến xem một công trình cụ thể vừa thực sự hiện đại vừa mang được bản sắc Việt Nam?". Câu hỏi đó làm không ít người Việt cũng băn khoăn.

Một công trình hiện đại mang bản sắc Việt Nam là như thế nào? Chắc chắn không thể là một công trình xây dựng kiểu hiện đại rồi thêm thắt các chi tiết dân tộc như mái cong, chạm khắc chữ cổ xưa… và càng không thể chỉ đơn thuần là những công trình làm bằng tre, nứa. Như vậy thực sự rất ngây thơ. KTS nổi tiếng Nhật Bản Kenzo Tange đã từng nói rằng: “Truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới dạng mới” và “không ai ấu trĩ đem một mái nhà cổ úp lên một công trình kiến trúc hình hộp rồi bảo đó là dân tộc – hiện đại. Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. Ở bất cứ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện thiên nhiên, khí hậu, tập quán sinh họat của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần phải nắm bắt và khai thác”.


Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể về Hà Nội. Đất Thăng Long kinh kỳ đã trải qua hàng nghìn năm tuổi với những thăng trầm. Nếu xét về kiến trúc, có 3 dấu ấn cơ bản còn lại: Thứ nhất đó là phố cổ hay chúng ta vẫn gọi là 36 phố phường; thứ hai là khu phố cũ hay chính là phố Tây, các biệt thự Pháp, và thứ 3 chính là những nếp nhà tập thể hay thường gọi là chung cư cũ. Vậy nhưng bản sắc của Hà Nội là gì trong tổng thể đa dạng ấy? Và làm thế nào để kết nối được bản sắc từ quá khứ đến hiện tại? Ca dao ta có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh linh cũng người Tràng An”.

Vâng, chính cái chất thanh lịch ấy mới là tinh thần, là sự nhận diện bản sắc Hà Nội, là sợi dây để kết nối Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại. Người kiến trúc sư giỏi là người mang được cái chất thanh lịch ấy vào các công trình hiện đại của ngày hôm nay. Tức là các công trình được xây dựng với hình thức đơn giản, không cầu kỳ, loè loẹt, nặng nề nhưng phải rõ ràng, dứt khoát về đường nét và thanh nhã, sang trọng. Và tất cả các công trình như thế được xây dựng trong một tổng thể quy hoạch khoa học thì sẽ toát lên được tinh thần của cả một đô thị thanh lịch.

Còn đô thị Huế chắc chắn lại có một bản sắc riêng, không thể na ná những cao ốc như đô thị Hà Nội. Vậy bản sắc của Huế là gì? Nếu nhìn vào kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật của Huế sẽ thấy nơi này đậm “chất” cung đình. Tuy nhiên kiến trúc hiện đại ngày nay không thể cứng nhắc lồng ghép những yếu tố cung đình vào xây dựng. Và cái chất Huế xuyên suốt lịch sử ở đây chính là sự thơ mộng mà dòng sông Hương đã nuôi dưỡng cho mảnh đất này. Cái ý thơ ấy ngấm thành linh hồn của đất Huế, vào con người Huế. Nên nếu đang sống ở Hà Nội hay TP.HCM mà đặt chân đến đây, ai cũng cảm thấy một sự khác biệt rõ rệt. Dường như nhịp sống đều như trôi chậm lại, tĩnh lặng hơn và nên thơ hơn. Vì thế, khi xây dựng các công trình hiện đại, người KTS phải hiểu được tinh thần này để dựng hồn cho nơi chốn, để khi ai đến Huế cũng cảm được sự dịu êm, chất thơ toát ra từ đó.

Mỗi một thành phố đều mang dáng dấp khác nhau, nếu ta xây dựng được các công trình toát lên điều đó thì mới tạo ra được bản sắc thực sự của đô thị đó. Còn những biểu hiện giản đơn như thêm thắt các chi tiết mang tính cổ xưa, dân tộc vào trang trí trong các công trình xây dựng thì chỉ có tính hình thức thôi, nó sẽ tạo nên một sự ngô nghê.

Dòng sông Hương đã làm nên

Dòng sông Hương đã làm nên "chất" Huế.(Ảnh: Internet)

PV: Theo giáo sư, điều gì làm bộ mặt đô thị Việt Nam có phần lộn xộn như hôm nay?

GS.TS.KTS Tôn Đại: Theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản sau. Thứ nhất, phải thẳng thắn thừa nhận, phần đông KTS của ta chưa có trình độ để làm toát lên được tính bản sắc trong các công trình. Trong khi đó, dường như hiện nay ở Việt Nam lại có một xu hướng là thuê các KTS nước ngoài. Đương nhiên trình độ của họ rất giỏi nhưng họ không thể hiểu được cái chất Việt Nam hay bản sắc của mỗi địa phương. Mỗi công trình, dự án có thể tốt về mặt chất lượng, thẩm mỹ nhưng trong tổng thể đô thị, lại tạo nên bộ mặt lổn nhổn.

Thứ hai, tinh thần Việt Nam chưa được giảng dạy một các sâu sắc trong các trường đào tạo về kiến trúc, quy hoạch, dù ở đâu cũng có môn “Văn hoá dân tộc”. Trong quá trình đào tạo, chúng ta thường coi trọng vấn đề chuyên môn và coi nhẹ yếu tố văn hoá, có lẽ hiếm có một người thầy nào thật giỏi để truyền được ngọn lửa và tinh thần Việt Nam vào các KTS tương lai. Trong khi đó, ví dụ như Nhật Bản, họ làm rất tốt điều này.

Thứ ba, có một thực tế, vai trò của KTS hiện nay ở nước ta vẫn còn thấp, tức là họ được chủ đầu tư thuê về thiết kế một bản vẻ và thường không có quyền quyết định. Chủ đầu tư mong muốn và quyết định như thế nào, họ phải làm theo như thế. Và đôi khi, người duyệt, đưa ra quyết định xây dựng lại là người không có nhiều kiến thức hay am hiểu về câu chuyện thiết kế, quy hoạch chứ chưa nói đến bản sắc của một công trình. Đây chính là cái thiếu và khó ở nước ta. Đặc biệt, mỗi địa phương rất cần một người đứng đầu am hiểu về lĩnh vực đô thị, quy hoạch, đóng vai trò như một kiến trúc sư trưởng của thành phố, vừa có thực quyền, vừa có chuyên môn để đưa ra được định hướng kèm theo những quy định chặt chẽ để định hình, phát triển đô thị của một cách tổng thể, tránh để phát triển, xây dựng manh mún và tự phát.

PV: Để bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị, theo ông Việt Nam cần làm gì?

GS.TS.KTS Tôn Đại: Để hướng dẫn bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị tại Việt Nam cần làm những việc sau:

Trước tiên, mỗi đô thị phải tìm ra các bản sắc của mình, lập bảng phân loại và chọn ra những bản sắc độc dáo nhất hay là một bản sắc chủ đạo của đô thị mình: bản sắc trội.

Tiếp theo, lập bảng thứ tự ưu tiên các bản sắc từ cái trội nhất trở xuống. Có khi cái trội nhất hiện nay đã bị lu mờ do đô thị hóa và sự lộn xộn lai tạp, ta phải chỉ ra cái đúng, cái đáng trội nhất của địa phương để tập trung phát triển nó lên trở thành yếu tố bản sắc chủ đạo.

Khi phát hiện bản sắc mới xuất hiện nhưng có triển vọng phát triển ổn định lâu dài. Ví dụ, phát hiện nguồn suối nước nóng, điều này sẽ có triển vọng thay đổi bản sắc đô thị. Hoặc đô thị sẽ xây dựng một trung tâm như Disneyland chẳng hạn.

Đề ra các biện pháp bảo tồn, phát triển bản sắc khác theo thứ tự ưu tiên. Lập quy trình hướng dẫn cách bảo tồn, phát triển cái bản sắc đó. Các cơ quan hữu trách phải tuân thủ thi hành.

Và cuối cùng, giáo dục về giữ gìn bản sắc đô thị và giao cho các đoàn thể quần chúng một phần việc cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị. Việc nhân dân cùng tham gia với chính quyền trong việc gìn giữ bản sắc là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top