Aa

Sôi động thị trường bất động sản vệ tinh TP.HCM

Thứ Ba, 14/08/2018 - 03:00

Những ngày đầu tháng 8/2018, thông tin về việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thay thế UBND TP.HCM làm đầu mối kêu gọi đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 và huyện Nhơn Trạch làm xôn xao giới đầu tư bất động sản.

Các nhà đầu tư, trí thức Việt kiều thăm khu vực lấn biển Cần Giờ để xây dựng đô thị. Ảnh: Nguyên Bảo

Các nhà đầu tư, trí thức Việt kiều thăm khu vực lấn biển Cần Giờ để xây dựng đô thị. Ảnh: Nguyên Bảo

Tương tự cầu Nhơn Trạch, những thông tin về việc sẽ xây cầu Bình Khánh nối Nhà Bè - Cần Giờ cũng luôn được giới đầu tư nhà đất phía Nam quan tâm theo dõi.

Sôi động bất động sản Nhơn Trạch

Theo báo cáo của Sở Giao Thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái có tổng chiều dài 3.782m, 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.200 tỷ đồng.

Nếu cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam bộ, tăng sức lưu chuyển và tạo động lực kết nối vùng. Từ đó, các đô thị lớn như TP.HCM hay Biên Hòa sẽ giảm sức nén về hạ tầng, dân số. Cầu Cát Lái cũng giúp TP.HCM có thêm quỹ đất trong vòng bán kính giãn dân.

Hiện trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có 8 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 80%, thu hút hơn 120.000 doanh nhân, chuyên gia, người lao động đến sinh sống, làm việc. Đây là điều kiện rất tốt để thị trường bất động sản phát triển.

Một số sàn môi giới bất động sản ở huyện Nhơn Trạch cho biết thông tin xây dựng cầu Cát Lái thành hiện thực thì nhiều khả năng giá đất ở khu vực này sẽ tăng từ nay đến cuối năm, mức tăng có thể dao động 20 - 30% so với hồi đầu năm.

Trong 2 năm trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã thâu tóm nhiều bất động sản tại Nhơn Trạch. Trong đó đáng chú ý có dự án Đại Phước Lotus với diện tích 200ha do liên doanh Tập đoàn Vina Capital và DIC thực hiện.

Sau hơn 10 năm triển khai, liên doanh này đã hoàn thành một số hạng mục hạ tầng và nhà ở Đại Phước Lotus. Tuy nhiên, bất ngờ đến tháng 4/2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đã mua lại cổ phần trong Đại Phước Lotus của Tập đoàn Vina Capital với giá 65,3 triệu USD. Hiện CFLD đã xây dựng biệt thự Swanbay thuộc Đại Phước Lotus.

Trước đó, tháng 9/2016, CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) xây dựng thành phố công nghiệp mới và khu công nghiệp Ông Kèo. Đây là 2 bất động sản có vị trí liền kề với sân bay quốc tế Long Thành sẽ hình thành trong tương lai gần.

Đến đầu năm 2018, Tổng công ty Tín Nghĩa công bố việc thông qua công ty con là Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch liên doanh với Công ty VNIC 2 Pte, Ltd - thành viên của Tập đoàn CFLD xây dựng, vận hành thành phố mới Đông Sài Gòn tại huyện Nhơn Trạch.

Cần Giờ thu hút các "ông lớn"

Cần Giờ từng được lãnh đạo TP.HCM đặt mục tiêu phát triển khu du lịch sinh thái với việc xây dựng con đường từ đường Nguyễn Lương Bằng nối dài và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác.

Đồng thời, thành phố cũng lập kế hoạch xây dựng cầu Bình Khánh thay cho phà để hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực biển phía nam thành phố, đồng thời tác động tích cực đến ngành du lịch và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, cầu Bình Khánh xây dựng xong sẽ biến Cần Giờ thành một điểm nóng của thị trường bất động sản và là nơi xuất hiện nhiều bất động sản nghỉ dưỡng. Đơn cử như khu du lịch lấn biển Cần Giờ đã được tăng quy mô từ 1.080ha lên 2.870ha và đang tăng tốc thi công và nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành.

Tập đoàn Tuần Châu có ý định đầu tư một khu nghỉ dưỡng hiện đại tại Cần Giờ. Không chỉ vậy, Thuduc House cũng cho biết đang chuẩn bị đầu tư xây dựng khu phức hợp dân cư - nghỉ dưỡng tại huyện đảo này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top