Aa

Cao tốc TP.HCM - Bình Phước tạo động lực phát triển kinh tế cho 3 địa phương

Thứ Tư, 24/03/2021 - 11:30

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho rằng, tuyến cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước cần sớm triển khai, đưa vào sử dụng để góp phần giải quyết dứt điểm điểm nghẽn về giao thông của Bình Phước.

Chiều 22/3, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải đã khảo sát, xây dựng báo cáo tiền khả thi trình UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến về dự án cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, hồ sơ báo cáo tiền khả thi sớm hoàn thiện là cơ sở, tiền đề quan trọng để đẩy nhanh triển khai dự án, trong đó, phương án đầu tư được lựa chọn phải đảm bảo tuân thủ Luật Đầu tư công. 

Trên cơ sở văn bản thống nhất giữa lãnh đạo TP.HCM, 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, ý kiến thuận chủ trương của Trung ương về việc triển khai dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước ngày 18/3, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã khảo sát, xây dựng báo cáo tiền khả thi trình UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến.

Theo báo cáo, tổng chiều dài tuyến cao tốc là 73km, đoạn đi qua tỉnh Bình Phước là điểm cuối tại huyện Chơn Thành, dài 11km. Ngoài phương án đã được lãnh đạo 3 địa phương thống nhất sơ bộ, trên cơ sở khảo sát thực tế, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất phương án đầu tư theo hướng tuyến mới, thay đổi quy mô mặt cắt, hạn chế đi qua khu vực đô thị và xây dựng trên cao để cắt giảm chi phí đầu tư.

Sớm triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước
Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, tuyến cao tốc này cần sớm triển khai đầu tư, đưa vào sử dụng để góp phần giải quyết dứt điểm điểm nghẽn về giao thông của Bình Phước, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương. Do vậy, ông đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường công tác phối hợp với tỉnh Bình Dương, TP.HCM và đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ tiền khả thi.

Trong đó, các cơ quan cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế của từng phương án để nhận được sự đồng thuận của 2 địa phương và có cơ sở trình các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến trước khi xin chủ trương đầu tư chính thức từ Chính phủ và Quốc hội tại kỳ họp tới. 

Trước đó, vào ngày 18/3, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước về phương án phối hợp triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tại cuộc họp này, lãnh đạo hai bên đã trao đổi, thống nhất về chủ trương, phương thức, phương án, quy mô và thành lập ban chỉ đạo chung phối hợp triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước.

Hai bên thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư dự án. Trước mắt, UBND tỉnh Bình Phước chủ trì làm việc với các bộ ngành và các địa phương để thống nhất phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện..., đồng thời xây dự kế hoạch tổng thể của dự án.

Hai địa phương cũng thống nhất thành lập Ban chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước, bao gồm các thành viên đại diện của UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM cùng đại diện các sở ngành có liên quan để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước có tổng chiều dài toàn tuyến là 73km. Trong đó, đoạn đi qua TP.HCM dài 2km, Bình Dương 60km và Bình Phước 11km (gồm 7km cao tốc và 4km nối dài). Điểm đầu của tuyến cao tốc là nút giao thông Gò Dưa, TP.HCM; điểm cuối giao với QL.14 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tuyến cao tốc được thiết kế từ 6 - 8 làn xe. Về hình thức đầu tư, dự kiến dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - PPP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top