Aa

“Sóng“ lại nổi ở ven đô

Thứ Hai, 29/11/2021 - 06:15

Sau một thời gian dài tạm lắng, đất nền tại khu vực ven Thủ đô như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, khu đô thị Hòa Lạc... lại bắt đầu "sôi sục".

Theo thông tin từ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đang đề xuất chủ trương phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây gồm thành phố mới Hoà Lạc.

Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là giới đầu tư bất động sản trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến hầu hết các hoạt động kinh doanh, trong đó có cả bất động sản bị ngừng trệ.

Giá đất tăng chóng mặt

Khảo sát thực tế của phóng viên Reatimes cho thấy, tại địa bàn huyện Đông Anh, các xã Vân Nội, Nam Hồng, Tiên Dương, Nguyên Khê... đang thu hút lượng lớn các nhà đầu tư đổ về xem đất và tiến hành các giao dịch mua bán khiến giá đất ở đây tăng mạnh. 

Theo đó, đất phân lô trong khu dân cư tại xã Vân Nội đang rao bán với mức giá 30 - 40 triệu đồng/m2, tuy không bằng đợt "sóng" hồi đầu năm nhưng tăng mạnh so với giữa năm. Tương tự, tại khu vực xã Nam Hồng, Tiên Dương với những khu đất gần trục đường quốc lộ 23B đang được giao dịch quanh vùng giá 50 triệu đồng/m2, đi sâu hơn vào trong làng mức giá cũng dao động từ 30 - 35 triệu đồng/m2.

Một số khu vực ven sông trước đây giá vốn chỉ trong khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên đến 30 triệu đồng/m2. Tại xã Xuân Canh, nếu như trước đây mảnh đất ở ngõ rộng 4m chỉ có giá khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng gần gấp đôi với mức giá 35 - 37 triệu đồng/m2.

Đất nền khu vực Đông Anh, Sóc Sơn hút nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về
Đất nền khu vực Đông Anh, Sóc Sơn hút nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về

Thậm chí có những khu vực có mức giá không khác gì các quận trung tâm. Có thể kể đến các vị trí tại mặt đường Cao Lỗ (xã Uy Nỗ) gần trung tâm văn hoá, bệnh viện huyện có giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/m2. 

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn, các xã Hiền Ninh, Minh Phú, Minh Trí..., đất sổ đỏ trong khu dân cư được rao bán từ 10 - 12 triệu đồng/m2, thời điểm giữa năm là 5 -  7 triệu đồng/m2. Đi sâu hơn vào khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ (xã Minh Phú), giá đất rẻ hơn dao động từ 2 - 6 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm giữa năm là từ 1 - 3 triệu đồng/m2.

Cũng là 1 trong 3 huyện được đưa vào phương án lên thành phố, đất Mê Linh thời gian gần đây cũng tăng giá mạnh. Tại xã Tiền Phong, xung quanh khu vực dự án của Cienco 5, giá đất thổ cư tăng từ mức 15 - 23 triệu đồng/m2 lên 21 - 40 triệu đồng/m2.

Không chỉ đất thổ cư, những địa phương có quỹ đất sạch phục vụ đấu giá cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Trong một phiên đấu giá mới đây, một số khu vực giáp ranh với khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), nhiều lô đất bỏ thầu cao hơn gấp từ 2 - 3 lần giá khởi điểm và cũng cao hơn mức giá thực tế trên thị trường.

Bài học nhãn tiền

Đi kèm với mức tăng mạnh của giá bán, lượng người tìm mua đất "đổ" về các khu vực nói trên cũng đông lên hàng ngày với kỳ vọng đi tắt đón đầu "sóng lên thành phố". 

Theo anh Lại Đức Vượng - nhân viên môi giới của văn phòng bất động sản Sơn Nga (Nguyên Khê, Đông Anh), mỗi ngày, văn phòng môi giới này đón vài chục lượt khách đến xem đất và giao dịch. 

"Thanh khoản đất đai tại Đông Anh đang rất tốt, thậm chí còn có tình trạng khách vừa đặt cọc đã có người nhận chuyển nhượng luôn", anh Vượng cho biết. 

Thực tế, không phải đến bây giờ Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh mới trải qua đà tăng giá đột biến. Từ vài năm trước, với sự đổ bộ của giới đầu cơ, đất tại những địa phương này đã liên tục "nhảy múa", kéo dài nhiều năm sau đó mà nguyên nhân lớn đến từ việc có thông tin về việc đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại về việc bao nhiêu lần "sốt đất" là bấy nhiêu lần các nhà đầu tư nuốt "trái đắng". Gần đây nhất phải kể đến đợt tăng giá đầu năm 2021 với đầy đủ những diễn biến quen thuộc như: Người mua ùn ùn "vác" tiền giao dịch đất; giá đất tăng chóng mặt; môi giới, văn phòng bất động sản mọc lên như "nấm sau mưa"... nhưng kết quả đã khiến không ít người phải "khóc ròng".

Giao dịch đất tại khu vực Đông Anh diễn ra sôi động
Giao dịch đất tại khu vực Đông Anh hiện đang diễn ra khá sôi động

Nhìn chung, đối với thị trường bất động sản, một quy luật dễ nhận thấy là khu vực nào có hạ tầng mới thì giá đất sẽ thay đổi. Trước đây, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, dự án Thành phố thông minh đã tạo nên sự chuyển biến rõ ràng nhất cho giá đất tại Đông Anh trong giai đoạn 2010 - 2011. Thế nhưng, khi những “cơn sóng đất” này đi qua, hệ lụy để lại cho nhà đầu tư lại vô cùng thê thảm, nhẹ nhàng thì kinh tế suy giảm, nặng hơn là vướng nợ nần… 

Anh Tuấn Tú - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, hồi đầu năm có mua 2 lô đất tại Sóc Sơn với giá trung bình là 10 triệu đồng/m2 nhưng vừa mua xong thì thị trường bất động sản "bất động". Rao bán liên tục tại các trang web và mạng xã hội nhưng rất ít người hỏi mua. Cuối cùng, anh Tú phải bán "cắt lỗ" với mức giá 7 triệu đồng/m2 mới có thể bán được.

"Đây là tôi mua đất bằng tiền của bản thân mà phải đành lòng bán lỗ, còn những người phải vay ngân hàng thì vừa chịu thiệt lại còn gánh thêm khoản lãi ngân hàng", anh Tú cho biết.

Trong một báo cáo mới đây của Savills, ông Matthew Powell nhận định, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản nên sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc bất động sản và dự án. Do đó, trước khi quyết định "xuống tiền" đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tài chính, sự hiểu biết và đặc biệt là "khẩu vị" rủi ro./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top