Aa

Sông biển đời người

Chủ Nhật, 18/02/2018 - 06:00

LTS: Nhà văn Băng Sơn (1932-2010) là một trong số không nhiều các nhà văn chuyên viết về Hà Nội. Ông cũng là một hình mẫu về người Hà Nội. Không chỉ sống và gắn bó với Hà Nội, bằng những trang tản văn tinh tế, sâu sắc và tài hoa, ông đã làm phong phú thêm cho chúng ta nhiều cảm nhận những chiều kích về Hà Nội hào hoa và thanh lịch, cổ kính và hiện đại. Ông để lại nhiều di cảo chưa xuất bản. Ngoài đề tài Hà Nội, ông còn viết về rất nhiều đề tài khác nhau, rất lý thú. Xin trân trọng giới thiệu một chùm tản văn của nhà văn Băng Sơn viết về sông, biển, và đời người…

Lời sông

Ở ngoài biển cả bao la chẳng bao giờ thiếu nước. Vậy mà những con sông cứ âm thầm mải miết tìm đường ra cùng biển lớn. Sông mang theo bao nhiêu thứ trong lòng để rồi hòa tan mình vào vô tận, sông có biết không?

Bóng người con gái chở đò ngang. Chiếc vó bè mệt mỏi đêm ngày mưa nắng. Bãi dâu, bờ mía xạc xào. Tiếng con chim rơi xuống mặt nước lấp lánh sớm xuân hay chiều thu sương muộn. Hình dáng mẹ chờ đợi khắc khoải bên lũy tre làng, mẹ ra bờ sông ngóng một cánh buồm từ tít tắp một nơi nào trở về, qua làng, để lại đi đến một nơi nào tít tắp... Mẹ trở về, nỗi nhớ đầy như sông và cũng dài như sông dằng dặc một đời người.

Chuyện xưa kể rằng, có người uống rượu say, đánh cuộc với bạn là mình có thể uống cạn nước biển, nếu thua sẽ mất vợ. Lúc tỉnh rượu biết là không thể, sợ quá, sợ mất vợ. May quá có nhà thông thái mách nước cho anh ta: Chỉ uống nước biển, vậy người đánh cuộc hãy tách hết nước của các dòng sông ra đã, sau đó mới uống. Vì vậy, anh say rượu thắng cuộc.

Ca dao nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Chà, sức mạnh hòa thuận ấy to lớn biết nhường nào. Biển có biết không, những dòng sông có biết không? Đó là nụ cười và ánh mắt trao nhau, là nhịp tim trao gửi. Còn sông? Lúc hiền hòa và khi giận dữ, sông cứ lặng lờ và cuồn cuộn tìm đi. Sông mong gì ngoài đó hay chờ cơn bão đắm tàu, đợi chiếc hàm cá mập nuốt chửng sinh linh?

Sao sông không ở lại cùng con người, có ruộng lúa xanh rờn, có con giang con diệc rong chơi thanh thản, có cánh chài tung ra như bông hoa ánh sáng, có bắp chân trần người con gái lội xuống bờ sông gánh nước, có bóng những cây cầu bắc ngang cho bên này, bên ấy gần nhau...

Trong tiếng sóng rì rầm, trong tiếng lau sậy vi vu, hình như sông trả lời rằng: Vẫn biết cuộc đời đẹp lắm, vẫn biết ngoài biển cả mênh mông kia giông tố bão bùng... nhưng sông không thể dừng chân hay bắt con nước đứng im, vì sông mà không chảy thì sông chết, không còn là sông nữa.

Người ơi, người có hiểu cho sông chăng?

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tìm nhau

Chắc là cuối chân trời có người con gái đang chờ đợi, đang vẫy gọi bằng nhan sắc tuyệt thế và tình cảm thiết tha, nên những chàng trai - sông mới hối hả đi tìm, mới đành dứt bỏ quê hương suối nguồn để đến với nàng đầy say mê, háo hức.

Sông ơi chờ ta nhé! Sông không trả lời, sông đi từ mùa xuân qua mùa hè. Khao khát và vội vã, lòng yêu sôi sục nên sông dâng tràn nỗi đam mê, bất chấp con đập ngăn bước chân hay những bãi bờ tre cản lối. Bèo đi theo, củi rều mong được đi cùng. Những khóm lau cúi rạp mình bên hoang vắng tiễn sông đi. Trên cao kia, những họ hàng nhà mây rong ruổi đủ màu, lúc múa khúc hoan lạc, khi đau buồn bằng màu xám tóc tang giông tố, khi tơi tả như ngàn năm hoa rụng, lúc thanh tân ửng hồng sắc tía cầu vồng... Sông lo đến bạc đầu sợ nàng gái - chân trời không đợi, sẽ thành kẻ vô tình, bội bạc, chỉ còn biết một con đường tình tìm đến người yêu.

Chân trời đón chàng sông lực sĩ ra sao, không cần biết, chỉ có nội tâm mình thúc giục tiếng ngầm lạnh buốt nguồn xa và phù sa vẫn đục nỗi mong chờ. Sông đi, sông chạy, sông khóc trong mưa, sông thở than trong hồi sấm đầu mùa, sông chết lặng tự dìm mình vào cái xoáy tròn như khoan vào đáy dạ bật cả những viên đá chìm từ muôn kiếp, bắt nó lăn theo, chuyển cả linh hồn vào lòng sông hấp tấp.

Thuyền xuôi sông phăng phăng như có nghìn con thuồng luồng kéo thuyền đi bằng sợi dây vô hình chỉ một mình sông biết và con thuyền thành tuấn mã chồm vó vượt thời gian. Khổ thân cho kiếp thuyền nào ngược nước. Cuộc đời trên cạn cát khô kia, thiếu gì kiếp người như thuyền ngược nước, bơi đi đâu trong sức cản dữ dội, bơi đi đâu trong dòng cuồn cuộn trong khi sức mình chỉ là con gió thoảng thổi không bạt được một chiếc lá vàng?

Rồi cũng đến lúc chàng trai - sông gặp nàng gái - chân trời. Yêu đến nỗi hòa tan, chỉ còn là một màu xanh vô tận không bờ, cho đến một hôm nào đó cuốn theo nhau trở về vùng cao tít, bay ngược thời gian, tự buông mình vào khăn núi áo rừng và làm lại cuộc hành trình vô tận, khát khao một thế gian vô lượng, chỉ tình yêu là bất tận, đi và mãi đi...

Sông quê

Từ bao nhiêu nghìn năm, những dòng sông nhỏ chảy qua làng này xóm khác, sao mà giống nhau đến thế. Cũng chiếc vó bè, mảnh thuyền nan, khóm lau sậy xạc xào, ngọn rong rều lướt thướt, cây lúa mọc chen vào lá chua me ăn sát tận rèm nước trôi êm... Không ai, không bao giờ có thể dùng xi măng mà cạp hết các bờ sông như một đôi thành phố làm bằng đá hoa cương trắng, bằng lối lên xuống cho người tâm sự...

Và ngàn đời nữa, những dòng sông vẫn còn phải hoang vu giữa trời mây, ghềnh thác... Và khi tiễn biệt ngọn nguồn, sông thì thầm ra sao không ai biết, cho đến khi ra với bao la cửa biển, sông mênh mang lời cánh buồm mở rộng, tiếng sấm biển rộn ràng... Sông thành chàng khổng lồ khiến con người choáng váng khi nhìn ra chân nước lẫn chân trời mà chắc chẳng bao giờ có thể đi tới đó.

Nhưng hình như con sông làng ta vẫn là con sông đẹp nhất. Ở đấy, ta từng nhảy ùm ùm cho tan nỗi nóng nực mùa hè. Ở đấy, ta từng ngắm đôi bắp chân như cây chuối non lội lưng chừng, quẩy đôi nồi hông nước trong veo về khuất sau lũy tre. Ở đấy có đám cưới chị ta sang đò đi làm dâu xứ lạ, làm ta ngẩn ngơ như mất một kho vàng, kho ngọc...

Dòng sông nào cũng phải đi từ một nơi nào và đến một nơi nào. Riêng con sông làng ta, mang tên làng ta, vẫn đời đời ở lại, đời đời có mặt, có khi đón con thuyền có đôi mắt mở tròn, có lúc đón con thuyền buồm tả tơi nghìn dặm mang về đây gánh vôi, thùng nước mắm, bó mía, thúng than...

Ta từng lặn xuống đáy sông vốc một nắm cát đánh cho răng trắng, ta bắt được con cá choi choi rồi lại thả nó về sông vì chị ta bảo loài này không ăn được. Chị giỏi thật, con hến ta mang về, chị nấu thành nồi canh thơm vị rau răm, ngọt lự, có màu bàng bạc như sữa loãng. Chị còn dìu cả gánh cỏ qua sông, khỏa mái chèo cho chiếc thúng nan đủng đỉnh như một cánh hoa trên làn ánh sáng lăn tăn...

Thế mà không hiểu tại sao chị lại bỏ đi, bỏ dòng sông mà không luyến tiếc. Cái người đàn ông mang chị đi lẽ nào đáng yêu, đáng quý hơn dòng sông, nơi chị từng lội ra giữa dòng mà tắm những chiều quê...

Có lẽ chỉ riêng con nước từng ấp ôm thân chị mới hiểu được lòng người, hiểu được lòng chị và cả lòng mình làm kiếp sông quê?

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tồn tại

Mỗi dòng sông bao giờ cũng xuất phát từ một nguồn lạch nhỏ nào đó và kết thúc khi gặp một con sông lớn hơn hoặc được hòa vào biển cả. Tuy nhiên, không ai biết được mỗi dòng sông như thế, nó bắt nguồn từ một hôm nào và đến một ngày nào kia, nó sẽ đổi dòng hay khô cạn, tự kết thúc đời mình vào lúc gió mưa hay nẳng gắt. Không bao giờ có ai biết, hoặc may mắn cho ai biết thì người đó đã chìm lặn trong xoáy nước, tan thành giọt nước giữa dòng sông, không hề để lại dấu vết nào, dù rất nhỏ nhoi.

Còn con người thì sao?

Có thể mỗi người biết lúc mình sinh ra, ấy là do các bậc sinh thành kể lại cho mình nghe khi mình bắt đầu khôn lớn. Và chắc không ai có thể biết trước được lúc mình chấm dứt cuộc đời, dù có tài tiên tri năm trăm năm về trước và năm trăm năm về sau như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, như Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Và, mỗi con người so với mỗi dòng sông thì đời người ngắn ngủi biết bao, chật chội biết bao. Sông có thân mình dài hàng trăm dặm, có khi còn là ngàn dặm, như sông Hồng, sông Cửu Long, sông Hằng, sông Nil... Còn người ta, ai là người quanh quẩn suốt một đời trong thôn xóm, ai là khách lữ hành thường trực như một Nguyễn Tuân? Dù là ai thì cũng không thể chu du như dòng sông luôn vùng vẫy được.

Sông để lại những gì và người để lại những gì?

Sông chở gì trên mình những con sóng chuyển vần, từ hạt phù sa lắng đọng, từ con sóng, ngọn gió vô tư đến mảnh thuyền tam bản, lá buồm căng gió, hoặc những con tàu, con giang thuyền hùng dũng?

Và người ta, một đời chưa được trăm năm, để lại gì và mang trên mình gì nhỉ, hay cuối đời chỉ là bộ khung xương và những chấm đồi mồi trên làn da nhăn nheo mốc thếch?

Nhưng giữa sông và người, ai tự hào hơn ai? Hình như chỉ có con người mới biết đến điều đó, còn dòng sông thì không, chỉ biết lặng lẽ mà trôi, âm thầm mà sống, vật vã mà chẳng sinh thành...

Thì ra, tồn tại và sống, khác nhau lắm lắm.                                         

(Trích trong Di cảo của cố nhà văn, sắp xuất bản)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top