Dồn dập các thương vụ
Thị trường bất động sản vẫn chưa qua cơn ảm đảm, doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi, các kênh huy động vốn gặp khó thì việc tìm kiếm dòng tiền từ M&A là kênh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn lúc này.
Mới đây, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã thông qua công ty con Gamuda Land ký thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần các cá nhân trong Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá trị đạt 305 triệu USD (hơn 7.200 tỉ đồng). Với thỏa thuận này, Gamuda Berhad đã trực tiếp sở hữu dự án thuộc khu đất rộng 3,68 hecta tại thành phố Thủ Đức.
Hay như thông báo của “ông lớn” Keppel Corporation về dự định mua lại 65% cổ phần tại một công ty nắm giữ dự án bất động sản bán lẻ tại Hà Nội qua công ty VN Prime Vietnam (công ty con của Keppel Land). Ước tính thương vụ này có giá trị xấp xỉ 70 triệu đô la Mỹ và sẽ tùy chỉnh dựa vào đàm phán giữa hai bên.
Công ty Địa ốc First Real đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu Bạch Đằng Complex với giá trị giao dịch 200 tỉ đồng, tỷ lệ sở hữu 22%. Dù chưa có thông tin về bên nhận chuyển nhượng, Hải Phát Invest đã có quyết định thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm giữ tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang với hơn 176 tỉ đồng…
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh sự quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam và chiếm phần lớn vị trí bên mua. Ngay cả bất động sản công nghiệp cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Số liệu cho thấy 7 tháng đầu năm, có đến 16 thương vụ M&A liên quan tới các khu công nghiệp, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu từ Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Sức ép
Bức tranh M&A của thị trường đã có sự thay đổi. Nếu như trong năm 2022, các thương vụ hầu như là từ các tổ chức và doanh nghiệp Việt; thì sang năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup cho rằng, sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh M&A vì họ xác định hiện là thời điểm để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam với mức giá tốt. Trong đó, lĩnh vực được thực hiện lớn nhất là bất động sản và ngân hàng.
Với thị trường bất động sản, ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Sohovietnam cho rằng, nhà đầu tư ngoại có khẩu vị đầu tư tương đối đa dạng từ khu công nghiệp, khu đô thị tới dự án đất thương mại dịch vụ, dự án nhà ở…Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng họ vẫn đang nghe ngóng thị trường là chính.
Xét về nguồn lực, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm nhiều lợi thế về tiềm lực tài chính. Xét về thị trường, hiện có thể nói là khả năng thâu tóm dễ hơn và giá “mềm” hơn.
Trong khi đó, với các nhà bất động sản Việt Nam từ cuối năm 2022 đến nay thì khó khăn về dòng tiền đang bủa vây: thị trường trái phiếu có nhiều biến cố, lãi suất có giai đoạn tăng mạnh trước khi có các chính sách hạ nhiệt, bài toán nợ đáo hạn…Tất cả điều này đang tạo nên sức ép và dễ thỏa hiệp của các thương vụ M&A bất động sản, bởi trước mắt các doanh nghiệp vẫn đang phải lo dòng tiền để duy trì hoạt động trước khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên, dù thị trường ghi nhận nhiều thương vụ song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, khó khăn về pháp lý là lớn nhất gây ảnh hưởng tới tiến độ các thương vụ. Chính phủ đã có nhiều động thái nhằm cải thiện vấn đề pháp lý tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư. Điều này được kỳ vọng M&A cho thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn từ năm 2024.
Dòng vốn ngoại tăng mạnh vào bất động sản cũng làm lo ngại làn sóng thâu tóm với giá rẻ. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính bất động sản Trần Khánh Quang phân tích, ở giai đoạn này các đối tác tìm kiếm cơ hội chủ yếu từ các quỹ đầu tư, tập đoàn bất động sản có vốn ngoại muốn mở rộng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ họ có định hướng chiến lược rất rõ ràng nên luôn có nguồn tài chính chuẩn bị sẵn để chờ hợp tác khi có cơ hội.
Theo đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), khi các thương vụ M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung cho thị trường. Với các dự án gặp khó khăn về tài chính phải dở dang cũng sẽ được nhanh chóng tái khởi động. Đây lại điểm tích cực với thị trường hiện nay.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng các thương vụ M&A thị trường bất động sản là phao cứu sinh nguồn vốn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn hiện nay. Thị trường luôn tồn tại dòng vốn ngoại song cơ hội tìm được dự án tiềm năng lại có không ít những thách thức. Do vậy nhà đầu tư ngoại vẫn lựa chọn các hình thức tham gia liên doanh, liên kết và M&A (trong đó phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp).