Vô ý thức gây phát sinh cháy nổ
Vấn đề cháy nổ đã được cảnh báo tại rất nhiều chung cư. Đặc biệt, chung cư nào cũng có quy định rất rõ về việc thờ cúng, đốt vàng mã. Tuy nhiên, nhiều cư dân vẫn hồn nhiên đốt tiền vàng ngay tại cầu thang bộ hoặc ban công. Trong khi đó, ở trong hay ngoài căn hộ nào của tòa nhà chung cư cũng được lắp hệ thống báo cháy tự động, nếu có khói chuông báo cháy sẽ kích hoạt. Khi chuông báo cháy reo thì cư dân của tòa nhà chắc chắn sẽ lâm vào cảnh hoảng loạn.
Hãi hùng khi chứng kiến một nhà đốt vàng mã lửa cháy đùng đùng ở trên ban công, chị Lương Thị Trà, sống ở Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) kể những ngày đầu người dân dọn về ở không ít lần chuông báo cháy reo vang vì nhà thì hóa vàng, nhà dọn chân hương, tất cả cứ ném vào cửa xả rác. Mới đầu chị chỉ nghĩ mới dọn tới ở nên không biết nhưng ở mãi rồi vẫn thấy có nhà hóa vàng ngay ban công.
Chị Trà nhớ lại: “Có ngày đi làm về, thấy ban công một nhà ở tầng 5 cháy đùng đùng, mình tưởng cháy mà hóa ra là đốt tiền vàng. Không biết, là họ có ý thức được việc làm nguy hiểm đó không. Mà phía dưới sân chung cư đã có chỗ đốt vàng mã, thậm chí có sẵn dụng cụ để đốt luôn, họ chỉ cần chịu khó đi thang máy xuống là đốt được ngay, có mất nhiều thời gian hay mỏi chân đâu. Chưa kể đốt xong, nhiều nhà còn để nguyên bãi chiến trường ở đó, chờ hôm sau mấy cô lao công dọn giúp”.
Cùng tòa nhà với chị Trà, chị Vũ Lâm thở dài: “Hôm đó, tôi đi cùng thang máy với một người đàn ông. Thấy ông ta ném đầu thuốc còn đang cháy dở xuống sàn thang máy. Tôi thấy nên nói anh ta vài câu vô ý thức, nếu tòa nhà xảy ra cháy thì làm sao, thế mà anh ta trợn mắt lên nói không phải việc của mình. Ôm cục tức về nhà nói với chồng, chồng tôi nói vẫn còn may là không gặp phải kẻ con đồ."
Trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy lớn ở chung cư mà nguyên nhân được xác định là do đốt vàng mã, thắp hương của cư dân. Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2016, vụ cháy tại tòa nhà CT1 Khu đô thị Xa La – Hà Đông là do cư dân hóa vàng sau khi thắp hương ngày mồng 1 âm lịch khiến tàn lửa rơi xuống mái bể bơi bằng nhựa gây cháy. Tương tự, vụ cháy lúc nửa đêm tại tầng 8 CT2 chung cư Rainbow, phường Hoàng Liệt, (Hoàng Mai) là do một chủ một căn hộ trên tầng 8 thắp hương. Lúc đó, ngoài trời gió thổi mạnh nên tàn hương đã bay xuống bén lửa vào bộ bàn ghế bằng da phía dưới, ngọn lửa nhanh chóng bùng lên.
Bạ đâu để xe ở đấy
Câu chuyện không hề mới tại nhiều chung cư hiện nay là việc để xe tùy tiện chắn ngang lối ra vào hầm, trong sân chung cư. Hậu quả là nhiều người dân phải luồn lách mới vào được nhà, nhiều trẻ em, bà bầu lo lắng có thể bị xe tông bất cứ lúc nào.
Anh Phạm Bá Tùng sinh sống tại chung cư Linh Đàm không khỏi bức xúc kể lại: “Vào ngày chung cư NO4 Linh Đàm bị cháy, xe cứu hỏa không vào được vì vướng xe đỗ lộn xộn ngoài đường. Cư dân phản ứng dữ dội với ban quản lý tòa nhà vì "chỉ biết thu tiền trông xe mà vô trách nhiệm". Tại sao không giống chung cư bên cạnh, kẻ vạch cấm xe đỗ một bên đường cho xe cứu hỏa thuận tiện ra vào nếu có sự cố. Không những thế, một số chủ xe ở chung cư bên cạnh có vẻ không quan tâm đến sinh mạng của những người xung quanh mà cố tình đỗ xe một cách vô ý thức”.
Còn tại chung tòa nhà NO2 khu Trung Hòa - Nhân Chính, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành lo lắng không yên kể từ ngày dọn tới ở. Theo lời anh kể, khi chọn mua căn hộ chung cư, vợ chồng anh đều hài lòng với tòa nhà này. Nhưng chỉ một thời gian dọn đến ở, cửa hàng, quán ăn liên tiếp được mở. Kéo theo đó là tầng hầm đậu xe quá tải, phát sinh thêm các bãi đỗ xe quanh tòa nhà. Thế nên cứ mỗi lần lấy xe ra, gửi xe vào, vợ chồng anh mệt mỏi với chuyện lấy xe vì có xe không để đúng hàng, dắt đi cũng khó khăn.
Anh kể lại: “Có một lần, một chiếc ô tô rất đẹp và sang trọng đậu chắn lối đi của mấy hàng xe máy phía sau. Nhiều người đã phải đụng vào xe để còi báo động kêu, chủ nhân xe xuống đánh xe ra chỗ khác mới lấy được xe. Trong hầm xe vừa nóng, mọi người thì đang vội đi làm nên nhiều khi lời qua tiếng lại không hay."
KTS Hoàng Thúc Hào, Giảng viên khoa Kiến trúc và Quy Hoạch, trường đại học Xây Dựng cho hay: “Khác với văn hóa ở nông thôn lâu đời, văn hoá ở đô thị đang từng bước hình thành. Vì đô thị mới có khoảng 100 năm, thậm chí có đô thị mới hình thành được 20 năm, đó là thời gian chưa dài để hình thành được văn hóa kiến trúc, văn hóa sống văn minh lịch sự. Ở Việt Nam đang hình thành văn hóa ở từ thấp, rộng sang cao… Trách nhiệm của KTS khi làm công trình nhà ở là cùng với việc thỏa mãn nhu cầu ở, đồng thời phải góp phần nâng cao trình độ văn hóa ở của cư dân”.