Hàng nghìn người lao vào cơn sốt đất tại Vũng Tàu
Những ngày qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng hàng nghìn người đổ về khu vực quốc lộ 56, đoạn qua xã Bình Ba, huyện Châu Đức để hỏi các thông tin về đất đai sau khi có thông tin một doanh nghiệp lớn được chấp thuận khảo sát, nghiên cứu đầu tư khiến giá đất khu vực này tăng, 3 - 4 lần so với trước đó.
Theo người dân địa phương, giá mỗi lô đất thay đổi theo từng ngày. Cụ thể lúc đất chưa "nóng", giá mỗi mét ngang đất cách Quốc lộ 56 khoảng 100m có giá chừng 40 triệu đồng, nay đã được "thổi" lên thành 160 - 170 triệu đồng. Còn đất ở sát mặt tiền Quốc lộ 56, mỗi mét ngang trước đây chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng, thì nay được rao bán tới 450 - 480 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Dương Thanh Vân, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức, mặc dù lượng người đổ xô về mua đất và giao dịch với mức giá tăng nhanh, tuy nhiên, theo văn phòng đăng kí đất đai huyện Châu Đức và tại các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện, lượng hồ sơ giao dịch vẫn bình thường, thậm chí còn giảm so với thời điểm thị trường nóng sốt vào hồi năm 2018.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ đất đai giải quyết chỉ có 504 hồ sơ, giảm so với cùng kỳ năm trước 21 hồ sơ. “Vì vậy, có nhiều khả năng giá đất tại xã Bình Ba liên tục tăng không loại trừ một số đối tượng đầu cơ, tự tăng “giá ảo” lên để tìm lợi nhuận”, ông Vân nhận định.
“Dự án ma” tái xuất
Không chỉ sốt đất, cơn bão “dự án ma” cũng đnag bắt đầu xuất hiện trở lại trong những ngày đầu năm 2020.
Mới đây, UBND phường Thạnh Xuân, TP.HCM nhận đơn tố giác của người dân về việc Công ty Cổ phần King Home Land (địa chỉ số 57, đường số 7, KDC Cityland Center Hills, phường 7, quận Gò Vấp) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, hàng chục khách hàng đã đâm đơn tố cáo lên công an về việc Công ty cổ phần King Home Land do ông Đặng Tiến Trường (27 tuổi) làm giám đốc bán đất “ma”.
Cụ thể, thời gian qua những khách hàng này đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các “dự án” có tên King Home 2 (phường Thạnh Xuân, quận 12), King Home 4 (quận 9), King City Long Thành (Long Thành, Đồng Nai)... của Công ty cổ phần King Home Land với số tiền mỗi giao dịch từ 600 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/sản phẩm. Tuy nhiên. sau khi ký hợp đồng, các khách hàng không thể nhận được nền.
Thông tin về sự việc này, UBND quận 9 cho biết, dự án King Home 4 trên thực tế là thửa đất 527, tờ bản đồ số 21 ở phường Long Trường. Tuy nhiên, khu đất này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt dự án hoặc phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện việc tách thửa và nghĩa vụ thuế, song công ty đã vẽ ra các dự án ma, phân lô bán nền và thu tiền hàng loạt khách hàng. Hiện nay, UBND quận 9 đã cắm bảng cảnh báo dự án “ma” tại khu vực này.
Cùng với đó, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng cho hay, tại thửa đất 592, tờ bản đồ số 58 chưa được giải quyết tách thửa hoặc lập dự án nhà ở nào do cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. UBND quận 12 cũng đã tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế công trình xây dựng không phép có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép tại khu đất ở Khu phố 5, phường Thạnh Xuân.
Làm thế nào để tránh sập bẫy
Theo ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thời gian gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến. Nhiều nơi diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cho rằng, nhiều người mua đất nền với kỳ vọng sẽ nhận được lợi nhuận lớn nên không ít người lao vào đầu tư theo đám đông nên dễ bị sập bẫy.
Bà Dung lưu ý các nhà đầu tư đi mua đất nền vẫn là luôn phải tính táo. “Với bản thân dự án phải xem dự án đó có nằm trong quy hoạch hay không, xung quanh dự án có thật là có những cơ sở hạ tầng như chủ đầu tư quảng cáo hay không. Vì việc sản phẩm có tăng giá được hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng”, bà Dung đưa ra lời khuyên.