Bộ Tài chính cho biết, ngày 21/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings (S&P) đã thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm từ Ổn định lên Tích cực.
Sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta và cải cách liên tục trong khung hoạch địch chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế - xã hội là cơ sở để tổ chức S&P đưa ra quyết định này.
S&P nhận định, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ nhằm kiềm chế dịch Covid-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.
S&P ghi nhận hồ sơ tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Cụ thể, yếu tố tác động tới việc nâng hệ số tín nhiệm quốc gia là việc Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực qua các quy trình hành chính hiệu quả, phù hợp và bền vững với chương trình cải cách năm 2020, giảm thiểu được rủi ro sự kiện với nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ nhằm đảm bảo việc chậm trả nợ không tiếp tục tái diễn.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, lành mạnh và các thiết lập tài khóa của Chính phủ sẽ vẫn được duy trì mặc dù phải chịu đựng những rủi ro từ đại dịch Covid-19.
Theo S&P, bất ổn từ đại dịch kéo theo bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Tính đến ngày 21/5/2021, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực từ khi đại dịch bùng phát đến nay.
Điều này khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước và nâng cao vị thế tín nhiệm quốc gia.
Bộ Tài chính cùng các cơ quan Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để truyền tải thông điệp về quyết tâm, nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Trước đó hồi tháng 3/2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cùng các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực.
Việc Moody’s đưa ra quyết định này là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta khi vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Sau đó đến đầu tháng 4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng khẳng định lại xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở BB, đồng thời nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực./.