Hiện, số lượng cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã BID - HOSE) đang lưu hành là 3.419 triệu cổ phiếu, vốn hóa là 67.861 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trung bình 3 tháng gần đây khoảng 85,89 tỷ đồng. Mức giá 19.900 đồng/cổ phiếu hiện tại, so với mức giá hồi đầu tháng 6/2017 là đã tăng 1.600 đồng/cổ phiếu. Trong nửa đầu tháng 6, có thời điểm giá cổ phiếu BID vượt ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng tỏ ra khó giữ được mức giá này.
Về cơ bản, các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng đối với cổ phiếu BID vì BIDV là một trong những ngân hàng có mạng lưới rộng và có tiềm năng lớn về dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam hiện nay. Hơn nữa tốc độ thu hồi nợ xấu của BIDV đang được cho là khá nhanh.
Tuy nhiên, vì sao BID không giữ được mốc 20.000 đồng/cổ phiếu? Giải thích cho câu hỏi này, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, số lượng trái phiếu đặc biệt VAMC (Công ty quản lý tài sản) rất lớn, cần phải trích lập dự phòng. Trong khi BID gặp khó khăn trong việc huy động vốn để tăng cường tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), buộc BID phải cơ cấu lại tài sản và do đó ảnh hưởng đến hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần).
Thực tế, Nghị quyết giải quyết nợ xấu mới được thông qua sẽ đưa ra nhiều lựa chọn cho các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Dù sẽ cần có thời gian để Nghị quyết đi vào thực hiện nhưng BID vẫn sẽ được hưởng lợi trong dài hạn vì nghị quyết cho phép BID đẩy nhanh việc thu nợ xấu bằng cách bán tài sản thế chấp.
Nhưng tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn sẽ hạn chế vì khó khăn trong việc huy động vốn. SSI cho rằng, trong trường hợp BID không thể huy động đủ vốn, ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại loại tài sản để giảm tài sản có rủi ro để tăng CAR vì BID đã đạt đến giới hạn trong việc huy động vốn cấp 2. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng có thể không đạt 16% trong năm nay.
Theo đó, SSI cho rằng, dự báo lợi nhuận trước thuế của BID sẽ đạt 7.913 tỷ đồng (+ 2,7% theo năm) trong năm 2017 và đạt 8.253 tỷ đồng (tăng 4,3% theo năm) trong năm 2018.
Cho vay khách hàng ước đạt 832.781 tỷ đồng (+15,1% theo năm) trong năm 2017 và 937.618 tỷ đồng (+ 12.6% theo năm) trong năm 2018. Do nguồn vốn cấp 1 của BID còn hạn chế trong khi BID không thể tăng vốn cấp 2 khi đã đạt đến giới hạn.
Hệ số NIM giảm nhẹ xuống 2,61% trong năm 2017 và tăng lên 2,66% vào năm 2018. Vì BID phân bổ nhiều tài sản hơn cho các khoản vay có rủi ro thấp. SSI giả định rằng hệ số NIM của năm 2017 sẽ không cao như mức 2,66% của năm 2016. Tuy nhiên, các khoản vay cá nhân tăng 20-25% / năm sẽ giúp bù đắp sự suy giảm của hệ số NIM.