Aa

Sự cố thang máy chung cư: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Tư, 16/12/2020 - 09:46

Hàng loạt sự cố thang máy liên tiếp xảy ra tại các khu chung cư khiến cư dân không khỏi lo lắng. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư khi lắp đặt ban đầu và liệu quy trình bảo dưỡng liệu có được triển khai định kỳ?

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Liên tiếp các sự cố từ thang máy chung cư

Gần đây, các sự cố đối với thang máy chung cư xảy ra với tần suất khá dày gây hoang mang dư luận. Mới nhất là vụ tai nạn nghiêm trọng vì bước hụt chân khỏi thang máy và bị rơi từ tầng 2 xuống sàn dưới với độ cao 5-6m xảy ra tại chung cư Golden Land ở 275 Nguyễn Trãi khiến một cư dân bị đa chấn thương.

Trước đó vài hôm, thang máy của một tòa chung cư ở Hà Nội đang chứa 10 người bất ngờ bị rơi tự do từ tầng 5 xuống mặt đất khiến 2 người bị chấn thương phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 2/12, xảy ra sự cố 38 người cùng bị mắc kẹt trong 2 thang máy tại Công ty Cổ phần tập đoàn Hoàng Oanh ở thôn Bắc, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; Hay trước đó ít hôm, ngày 24/11, tại một căn nhà trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10, TP HCM), xảy ra vụ việc một người phụ nữ bị mắc kẹt trong giếng của thang máy...

Thang máy tại tòa nhà B10A Nam Trung Yên bất ngờ rơi tự do từ tầng 5 xuống tầng một.

Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đảm bảo an toàn hệ thống thang máy ở các tòa nhà cao tầng, trong đó không thể phủ nhận vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, hay các đơn vị có liên quan trong việc cần nghiêm túc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thang máy thường xuyên.

Lịch sử thang máy vô cùng ly kỳ. Trước khi thang máy được phát minh thì các cung điện đồ sộ được xây dựng, người giàu sống ở tầng dưới trong khi người nghèo sống ở tầng trên vì số lượng cầu thang mà họ phải leo. Việc phát minh ra thang máy vào cuối thời Victoria đã giúp tăng đáng kể chiều cao của các tòa nhà. Những người giàu có di chuyển lên trên để thưởng ngoạn quang cảnh từ các căn hộ áp mái.

Tại các nước trên thế giới chất lượng thang máy phải đảm bảo nhiều quy định rất chặt chẽ. Tại Singapore, thang máy phải được bảo trì mỗi tháng một lần và CĐT phải xin phép giấy phép Hoạt động từ Cơ quan Xây dựng (BCA). Những CĐT không đáp ứng các yêu cầu có thể bị truy tố và khi bị kết tội, phạt tới 5.000 USD.

Còn tại Anh, thang máy phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn EN81-80. Tiêu chuẩn này của châu Âu ban hành, khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên đều có yêu cầu chung về độ an toàn và kiểm tra chặt chẽ về các mối nguy hiểm. Danh sách quy chuẩn gồm 74 quy tắc và khuyến nghị để đảm bảo an toàn cho hành khách và người vận hành.

Bộ tiêu chuẩn chất lượng thang máy tại Việt Nam:

- Đảm bảo chất lượng và đạt các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn Nhật Bản JIS, Châu Âu EN…), tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc gia.

- Tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu cường độ bu lông, cáp tải để chịu được tải…

- Tiêu chuẩn lắp đặt thang máy chung cư

- Kiểm định an toàn thang máy chung cư.

- Bảo trì, bảo dưỡng thang máy

Tại Việt Nam, thang máy hầu như được nhập khẩu hoặc liên doanh do đó bộ tiêu chuẩn vẫn còn rất sơ sài và chưa bao quát. Thang máy nhập khẩu nguyên chiếc có thể an toàn hơn thang máy liên doanh. Thang máy liên doanh được lắp ráp linh kiện khác nhau, thiết bị không đồng bộ nên trục trặc kỹ thuật liên tục. Một số công ty còn “ăn bớt” hệ thống an toàn đối với các thang máy nhập khẩu nguyên chiếc nhằm giảm bớt thao tác vận hành, lại giảm chi phí để dễ bán… Thang máy chung cư rơi vào những trường hợp này không khác gì “cái bẫy” cho người sử dụng.

Nhiều căn chung cư thang máy sử dụng qua nhiều năm không được bảo trì dẫn đến tình trạng xập xệ, xuống cấp. Thế nhưng quả bóng trách nhiệm vẫn đẩy từ phía này sang phía nọ. Để đến khi xảy ra sự cố, cư dân ở giữa phải lãnh hậu quả.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Thượng tá Phạm Hải Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thì thang máy có hoạt động tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo trì, bảo dưỡng.

“Công tác bảo trì, bảo dưỡng là yêu cầu quan trọng số 1 đối với hệ thống thang máy. Không có gì đảm bảo là thang máy không bao giờ hỏng hóc đột ngột. Với điện lưới như hiện nay, điện có thể bị cắt bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hệ thống thang máy hoạt động, vận hành liên tục. Đây là lý do phải ưu tiên bảo trì, bảo dưỡng để phát hiện kịp thời, khắc phục hư hỏng. Nếu không tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn này, sẽ phải trả giá bằng hậu quả đáng tiếc”. Với thang máy lắp đặt cho các tòa nhà cao tầng và chung cư phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu 2 tháng một lần"

Theo quy định, tần suất bảo dưỡng thang máy ít nhất 1 lần/tháng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng. Nhiều đơn vị CĐT khác thì lại đổ lỗi cho công ty thang máy, nhưng công ty cung cấp thang máy lại cho rằng CĐT không trả tiền bảo dưỡng cho nên họ không chịu trách nhiệm.

Đơn cử như tại chung cư Athena Xuân Phương. Sau vụ thang máy rơi tự do khiến cư dân không còn hồn vía thì nhiều người mới được biết, thang máy bị lỗi, làm dân hoang mang là do công tác bảo trì không đúng thời hạn định kỳ. Phía đơn vị cung cấp thang máy cho rằng, do chủ đầu tư không thanh toán khoản nợ gần 800 triệu đồng, nên đơn vị này không thực hiện trách nhiệm về việc vận hành, bảo trì thang máy theo định kỳ. Vậy là trách nhiệm được đẩy qua đẩy lại, cư dân ở giữa phải lãnh hậu quả thay.

Thang máy ở chung cư Golden Land  nơi mới xảy ra vụ việc cư dân hụt chân ngã từ độ cao 5-6m.

KTS Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) nhận định, "Tại các chung cư cao cấp hầu như chất lượng thang máy đều tốt, tuy nhiên ở các chung cư bình dân hoặc khu tái định cư thì phải xem lại chất lượng. Nhiều CĐT vì muốn cắt giảm chi phí mà lựa chọn thang máy không đạt tiêu chuẩn. Thang máy là loại phải dùng thường xuyên và tải trọng nặng mà chất lượng kém thì đương nhiên xuống cấp nhanh rồi. Hậu quả, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xảy ra các sự việc đáng tiếc, trong đó nghiêm trọng nhất là rơi thang máy gây tai nạn như mấy vụ rơi thang máy vừa qua"

Về trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình, theo Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng: Công trình thuộc sở hữu nhà nước thì tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quản lý, khai thác công trình có trách nhiệm bảo trì công trình; công trình thuộc sở hữu khác, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm bảo trì công trình. Đối với nhà ở, các chủ sở hữu có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và thỏa thuận đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Một điều quan trọng nữa trong việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy là giám định thực tế trước khi sử dụng. Quay lại trường hợp của chung cư Golden Land. Sau khi xảy ra vụ việc nói trên, Sở Xây dựng đã thông tin trên báo chí, CĐT thi công thang máy sai so với giấy phép được cấp, sai thiết kế. Sau đó hệ thống thang máy cũng đã bị cơ quan công an tiến hành niêm phong, tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên BQL lại cho hay, thang máy chỉ được đưa vào sử dụng sau khi được cấp phép, thẩm định, giám định thực tế cho nên không có chuyện sai thiết kế. Vậy thì khâu kiểm định có vấn đề hay thế nào vẫn chưa được làm rõ.

KTS Vũ Quốc An cũng đặt ra vấn đề “Một thực trạng hiện nay là nhiều đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn được quyền hoạt động. Tính trung thực, khách quan trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn thang máy hiện nay cũng cần đặt nghi vấn. Rất nhiều thang máy chung cư không đạt chất lượng, nhưng tại sao công tác kiểm định không phát hiện ra? Chỉ làm cho có hay là đã móc nối ăn chia với nhà thầu để qua mặt người tiêu dùng?”.

Dù bản thân thiết bị thang máy có tốt, nhưng nếu lặp sai, không đảm bảo quy cách thì chắc chắn chiếc thang máy cũng không thể đảm bảo an toàn được. Để bảo đảm an toàn, bên cạnh thực hiện bảo trì theo kế hoạch để bảo đảm thiết bị vận hành ổn định, người dân cũng cần tuân thủ các quy định, cảnh báo khi sử dụng thang máy; không để hàng cồng kềnh hay di chuyển quá lượng người so với tải trọng của thang máy. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top