Aa

Sử dụng hiệu quả đất công: Cần siết quản lý địa tô

Thứ Ba, 04/06/2019 - 06:01

Hàng nghìn héc-ta đất công tại các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, thậm chí của công bị biến thành tư.

Thông tin này được Kiểm toán Nhà nước đề cập trong Báo cáo kiểm toán về ngân sách năm 2018 vừa trình lên Quốc hội. Đây cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hàng nghìn ha đất công bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích

Hàng nghìn ha đất công bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích

Kết quả giám sát của các cơ quan Quốc hội cho thấy, diện tích đất công được giao cho các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước rất lớn nhưng hàng nghìn héc-ta đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.
Cụ thể, Báo cáo Kiểm toán chỉ rõ: Tổng công ty Khánh Việt có 286ha đất chưa sử dụng, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) có trên 24ha, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) gần 19ha, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hơn 7ha, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) gần 2ha.

Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) có 2 lô đất tại Khu công nghiệp Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng và PVN có một số lô đất mua từ giai đoạn 2011 - 2012 vẫn để không.

Ngoài ra, hàng nghìn héc-ta đất công được sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện. Đặc biệt, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) có gần 1.400ha đất thương phẩm chưa cho thuê.

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chỉ rõ, để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý đất đai đô thị và đất công tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo Đại biểu Xuyền, nguyên nhân là do “công tác quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa tích cực rà soát, báo cáo lên cơ quan chức năng. Chủ doanh nghiệp đã lợi dụng sang nhượng, chuyển đổi sai mục đích, không chỉ lãng phí đất công mà còn biến của công thành của tư, lợi ích nhóm”.

Bàn về vấn đề lãng phí đất công, Đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) cho rằng, đây là hệ quả của thực trạng chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Do sơ hở của Luật Đất đai, các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước được phân rất nhiều đất. Do vậy cần tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

"Khi đã đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp sẽ buộc doanh nghiệp phải sử dụng hiệu quả đất công. Những đơn vị chây ì, chậm cổ phần hóa thường không thu được lợi ích từ kinh doanh mà trông chờ vào nguồn lợi là đất công. Do đó, cần siết quản lý địa tô”, Đại biểu Trọng nêu quan điểm.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, việc thu hồi đất công ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Việc nhà nước giao đất công, cho thuê đất công trực tiếp cho nhà đầu tư tư nhân đã được chỉ định với các quyết định hành chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được đánh giá là chứa nhiều rủi ro tham nhũng.

Theo GS. Võ, trong sửa đổi Luật Đất đai, các quy định về kinh tế đất đai bao gồm quản lý giá đất, tạo nguồn lực từ thuê đất và giá trị đất đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với vận hành đất đai trong cơ chế thị trường. Hiện nay, thuế đất thấp và giá trị đất công bị thất thoát dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đặt nhiệm vụ cải cách thực chất hệ thống tài chính đất đai, vượt qua mọi thách thức, rào cản về tư duy nhằm tạo cơ hội cho phát triển đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top