Aa

Sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Trung Đông và Nhật Bản trong ngôi nhà ở Liban

Kim Yên
Kim Yên nguyenkimyenajc@gmail.com
Thứ Ba, 01/03/2022 - 06:12

Với niềm đam mê và tài năng về kiến trúc, một nhà thiết kế nội thất người Liban đã hô biến ngôi nhà của mình thành không gian trang nhã, tràn ngập ánh sáng được điểm xuyết những sắc màu rực rỡ.

Khi nhà thiết kế nội thất Nada Debs lần đầu tiên chuyển đến Beirut (Thủ đô của Liban) vào năm 2000 để tìm về với cội nguồn của mình, cha mẹ cô đã đề nghị cho cô căn hộ mà họ mua vào những năm 1980. Nằm trên tầng 10 của một nhà chung cư được xây dựng từ những năm 1970 trong khu dân cư phía Tây Beirut, không gian ban đầu không mấy gây ấn tượng với cô Debs.

Nhà thiết kế chia sẻ: “Căn hộ không phải do tôi chọn và trông nó khá đơn sơ nhưng nhờ vậy tôi có thể tự do sắp xếp đồ đạc và sáng tạo. Tôi đã tạo ra các nguyên mẫu thiết kế, xem xét chúng trong bối cảnh không gian rồi mới quyết định áp dụng và tôi đã sử dụng nhà của mình như một nơi thử nghiệm".

Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Trung Đông và Nhật Bản. (Ảnh: The Guardian)

Khi Debs lần đầu tiên nhận căn hộ, cô đã quyết định làm cho không gian trở nên thoáng đãng hơn, phá bỏ những bức tường để đón ánh sáng, tận dụng cảnh biển và núi non hùng vĩ xung quanh.

Nhà thiết kế nội thất Nada Debs - chủ nhân ngôi nhà là người nghiện màu xanh lam thứ thiệt. (Ảnh: The Guardian)

“Căn hộ ban đầu được thiết kế cho một gia đình và có bốn phòng ngủ, nhưng giờ đây nó là của riêng tôi, vì vậy tôi cố gắng giảm bớt diện tích cho một gia đình và tạo ra nhiều không gian giải trí hơn”, nhà thiết kế nội thất kể lại.

Với niềm đam mê và tài năng về kiến trúc, ngôi nhà của Debs giờ đây đã được hô biến trở thành nơi tràn ngập ánh sáng, trang nhã và điểm xuyết những sắc màu tươi sáng. 

Tại phòng khách, chiếc ghế sofa dáng tròn màu xanh lam do cô tự thiết kế là tâm điểm nổi bật. “Tôi là một fan cuồng của màu xanh lam. Nó mang lại cho tôi cảm giác thanh thản và bình yên”, cô nói.

Sau đó là nhà bếp màu hồng ấm cúng, được lấy cảm hứng từ hình ảnh tươi đẹp của bộ phim “In the Mood for Love”. Bếp thông với phòng xem TV được điểm tông màu vàng. Nơi này vốn dĩ là một ban công, nhưng bây giờ được sử dụng như một khu vực sinh hoạt.

Cô Debs chia sẻ: “Tôi luôn thích bắt đầu với màu sắc hoặc sự kết hợp màu sắc, sau đó là hình thức và cuối cùng mới là chi tiết. Trong ngôi nhà này, mỗi phòng đều theo chủ đề. Tôi sẽ không làm điều này cho khách hàng, nhưng đây là không gian thử nghiệm và tôi nghĩ rằng nên thử kết hợp các màu sắc với nhau”.

Phòng khách với tông màu lạnh, trầm làm chủ đạo, điểm xuyết những gam màu nóng tươi sáng. (Ảnh: The Guardian)

Những cánh cửa tối màu ấn tượng tạo thêm vẻ đẹp tinh tế, trong khi những tấm thảm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cách các không gian. Cô Debs cũng tiết lộ đây là mẹo nhỏ mà cô thường sử dụng để xác định và phân chia không gian.

Cô Debs rất thích các góc bo tròn và hình cầu, một phần vì chúng làm cho ngôi nhà trở nên mềm mại và thân thiện hơn, nhưng cũng bởi vì nó cho phép nhà thiết kế nội thất thử thách bản thân. Cô giải thích: “Chiếc bàn Romania trong phòng ăn sử dụng một chất liệu đá cẩm thạch và tôi nhận thấy mình có thể làm cong nó, vì vậy tôi quyết định tạo ra một dòng sản phẩm nội thất mà tôi có thể làm được điều đó”.

Một phòng khách khác với điểm nhấn là bộ sofa màu vàng và trắng. (Ảnh: The Guardian)

Căn hộ lớn với những đường nét mềm mại và không gian thoáng là phông nền hoàn hảo cho đồ nội thất nổi bật. Là người có gu thẩm mỹ thanh lịch và ấn tượng, cô Debs rất cảnh giác với những không gian được thiết kế nội thất giống như khách sạn. Cô khẳng định: “Quá hoàn hảo là vô hồn. Một ngôi nhà nên được cá nhân hóa và không quá cứng nhắc. Khung có thể hơi lệch sang một bên, không nhất thiết phải hoàn hảo, điều đó chẳng sao cả”.

Về phần mình, cô thích kết hợp những món đồ tìm được từ chợ đồ cổ Beirut’s Basta bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật yêu thích và vật gia truyền lạ mắt, như tấm thảm đất nung hình tròn ngoại cỡ của Trung Quốc trong phòng khách được mua lại từ Thượng Hải vào những năm 1950.

Phòng bếp mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi với gam màu hồng chủ đạo. (Ảnh: The Guardian)

Cô Debs cho biết: “Tôi lớn lên ở Nhật Bản nên thường giới thiệu mỹ học Nhật Bản, đó là đơn giản hóa và đưa mọi thứ về bản chất của nó.” 

Những viên gạch bê tông lót tường khu vực tivi màu vàng với kiểu dáng hiện đại mang họa tiết truyền thống của Trung Đông và những chiếc ghế kiểu Ả Rập trắng với họa tiết tán lá và lưới, tất cả đều là ví dụ về điều mà nhà thiết kế này gọi là “thẩm mỹ Neo Arabian”.

Cô Debs kể lại: “Tôi đã tìm kiếm những người cùng chí hướng bằng cách chuyển từ Nhật đến Beirut. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình cũng không phải là người Liban vì tôi không lớn lên ở đây. Quyết định này tạo ra những thay đổi trong công việc của tôi, bởi vì phong cách Nhật Bản khá nhẹ nhàng, trong khi ở Trung Đông mọi thứ đều bị phóng đại quá mức. Vì vậy, tôi đã tạo ra những tác phẩm có thể dung hòa hai phong cách này”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top