Aa

Sự thật về ngôi sao chiếu mệnh của làng tỷ phú ở quê lúa Thái Bình

Thứ Năm, 16/03/2017 - 13:00

Tương truyền ngôi làng nhỏ được ngôi sao Mão chiếu mệnh mà trở nên giàu có. Chẳng biết điều này thật hay không nhưng chuyện gần một nửa làng là tỷ phú hoàn toàn đúng.

Có thật bởi hàng trăm doanh nhân thành đạt mà sự nghiệp của họ đều khởi nguồn từ chính mảnh đất quê mình. Người ta đồn rằng, sở dĩ người làng này giỏi làm ăn vì có được một “bài kệ” bí truyền mà ai học thuộc sẽ làm ăn tấn tới như diều gặp gió.

Làng hơn trăm tỷ phú

Phương La của xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình) đã trở nên nổi tiếng ngay từ những năm sau đổi mới. Hình tượng đất lúa hay “những cô gái năm tấn” dần lui vào dĩ vãng mà theo như ông Bùi Văn Hà, Phó chủ tịch UBND xã là tín hiệu đáng mừng. Mừng, bởi nếu cứ trông cậy vào dăm sào lúa mùa được mùa mất thì khó mà nở mày nở mặt với thiên hạ.

Vậy là dân làng Phương La bứt phá trên mặt trận kinh tế. Họ đi khắp nơi làm giàu, dù có lúc thành lúc bại nhưng vì tình đoàn kết nên “chị ngã em nâng”, cho đến bây giờ đã có hơn trăm người là tỷ phú với các ngành nghề kinh doanh.

Một biệt thự kiểu Pháp của đại gia làng.

Theo số liệu mà ông Hà cung cấp, thì Phương La có trên 3.500 nhân khẩu mà lại chỉ có hơn 100ha đất nông nghiệp. Tính toán chi li một chút thì mỗi người sẽ được khoảng 250m2 đất, tức chưa đủ một sào để cấy năm hai vụ lúa. Mà nếu tính tỉ mỉ hơn với diện tích ruộng nhỏ nhoi ấy cùng lắm đem lại số lượng thóc đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện bán thóc đi để trang trải cuộc sống.

Nhưng bất ngờ là ngôi làng ít ruộng ấy lại có hàng trăm tỷ phú nổi tiếng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới. Không phải họ ghi tên vì danh tiếng mà bởi sự phấn đấu cho bằng chị bằng em, thảng hoặc vì quê hương đất lúa mà thôi.

Ông Hà kể: “Các đại gia của làng sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như bia, quần áo, chăn màn đến xây dựng, vận tải đủ cả. Họ như sinh ra để làm giàu, dù có thất bại đến thế nào chăng nữa thì cuối cùng kết quả cũng thuộc về tay họ”.

Người làng Mẹo tự nâng cấp máy dệt thủ công thành máy công nghiệp.

Ông Hà đưa ra một ví dụ mà ông cho là điển hình như đại gia Trần Văn Sen là giám đốc một công ty tiếng tăm nhất nhì trong nghề sản xuất bia, rượu và nước giải khát. Ông Sen khởi nghiệp từ nghề dệt truyền thống trăm năm của cha ông để lại. Khi có chút vốn, lại nhạy bén kinh tế nên đã vươn ra nhiều lĩnh vực khác.

Theo tiết lộ của ông Hà, thì mỗi năm tiền nộp thuế của đại gia này lên tới hàng trăm, thậm chí vài trăm tỷ đồng, gấp vài ba lần số thuế nông nghiệp của toàn tỉnh Thái Bình gộp lại.

Không chỉ có ông Sen, nhắc tới đại tỷ phú Vũ Quang Huy thì nhiều người trong giới kinh doanh đều nể phục. Với đôi bàn tay trắng, ông Huy đã dần dần thành lập được cả một tập đoàn lớn chuyên sản xuất nước khoáng. Không dừng lại ở thị trường nội địa, ông Huy và ông Sen đã làm được điều kỳ diệu là xuất khẩu vững chắc sản phẩm sang Mỹ và Tây Âu.

Trong bảng thống kê của ông Hà, tôi thoáng thấy số tỷ phú có chừng 5 – 7 tỷ đồng đã lên tới con số 130. Còn những đại tỷ phú có hàng trăm tỷ thì không dưới 10 người. Nói vui như ông Hà: “Tổng tài sản của toàn xã Thái Phương không bằng 1/100 so với số tiền mà đại gia làng Phương La đang có”.

Sao Mão chiếu mệnh

Ông Lê Quang Hoa, người viết sử làng Phương La tiết lộ cho chúng tôi biết, Phương La chỉ là một cái tên mới và xa lạ. Tên cũ của làng là Ứng Mão, tức là ngôi sao Mão – biểu tượng của sự giàu có sung túc chiếu mệnh cho làng. Cái tên này đã có cách đây một nghìn năm có lẻ.

Thế nhưng, người các làng khác lại giễu cợt gọi thẳng ra là làng Mèo. Mèo thì hay kêu ngheo ngheo, mà ngheo thì gọi lái đi là nghèo. Cao niên trong làng họp bàn mới đổi tên là Mẹo, ý là lắm mưu nhiều mẹo. Mẹo là cái tên gọi chính thức cho đến khi đổi thành Phương La như ngày nay.

Theo ông Hoa, cụ tổ của làng Mẹo xưa có truyền lại một “bài kệ” về những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nội tộc nên người ngoài không ai được biết. Đó gần như là một bài thần chú giúp cho việc làm giàu thành công suôn sẻ. Ai có duyên học thuộc đều sẽ thành đạt trong cuộc sống, tuyệt đối không được ghi chép lại.

Chẳng biết sự thật về “bài kệ” ấy có thực hay chỉ là chuyện bịa, nhưng hỏi bất cứ đại gia nào của làng Mẹo, đáp án chỉ là cái lắc đầu lẫn một nụ cười bí hiểm. Và theo ông Hoa, xã có đến 5 làng mà chỉ có làng Mẹo là làm ăn phát đạt, nên nhiều người tin rằng, thần chú làm giàu của làng Mẹo không phải chuyện bịa.

Dệt là nghề truyền thống của làng Mẹo.

Khởi nghiệp từ dệt

Sử làng Phương La ghi rõ, làng Mẹo đã có nghề dệt khoảng 800 năm nay. Thời vua Lý Thái Tông đã tặng cho làng 4 chữ “Lục long ngự thiên”, tức dũng khí như 6 con rồng. Làng lại có 6 danh tướng có công giết giặc Thát, trong đó cả 6 tướng đều là tổ nghề dệt của đất Phương La.

Con cháu làng Mẹo theo nghề từ đó đến nay. Khắp trong và ngoài làng, lúc nào cũng nghe tiếng máy dệt rầm rập suốt đêm ngày. Đàn ông thì dập máy, đàn bà thì se tơ, mỗi người mỗi việc nên kinh tế ngày càng thịnh đạt.

Tất cả hơn trăm tỷ phú của làng đều xuất phát từ nghề dệt. Nhờ nghề này mà họ sớm được giao lưu học hỏi bên ngoài. Sẵn có vốn lại giỏi buôn bán kinh doanh nên chẳng mấy chốc, từ một làng thuần nông đã trở thành nổi tiếng vì sự giàu có.

Anh Nguyễn Quyền, giám đốc một công ty lâm sản cho biết: “Người làng Mẹo giỏi kinh doanh từ trong trứng nước. Cứ lớn lên làm dệt rồi theo cha anh đi khắp nơi, tự bản thân sẽ biết mình hợp với kinh doanh thứ gì để phát triển bền vững”.

Dạo quanh làng Mẹo, không ai không sửng sốt trước những biệt thự trăm tỷ. Những biệt thự nhà vườn mọc như nấm sau mưa với đủ mọi kiến trúc độc đáo. Hai bên đường vào làng, những công ty lớn nhỏ cũng san sát nhau như một khu công nghiệp thu nhỏ.

Ông Bùi Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: “Hầu hết các công ty lớn đều được lập ở ngoài tỉnh. Những công ty nhỏ thì họ để ở làng cho thuận tiện giao dịch. Con số ấy cũng lên tới 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Làng Mẹo không những giàu có mà sản phẩm dệt truyền thống của họ cũng rất uy tín. Hiện nay, làng Mẹo thu hút rất đông lao động địa phương và các nơi khác. Tương lai, họ sẽ sản xuất lụa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với tất cả các làng dệt nổi tiếng khác”, ông Hà khẳng định.

“Cái quý của các tỷ phú làng Mẹo là khi họ giàu, họ không nghĩ nhiều về bản thân mà nghĩ vì quê hương làng mạc. Ngoài số tiền lớn ủng hộ địa phương làm các công trình phúc lợi thì họ còn gây quỹ từ thiện, quỹ khuyến học khuyến khích con em địa phương trau dồi tri thức, để không thụt lùi với xã hội."

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top