Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Đã thu sai lại cố tình “chây ỳ” không trả thì càng sai

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 07/04/2020 - 06:00

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính vẫn bảo thủ với quan điểm không cho hồi tố, đã thu sai giờ lại cố tình "chây ỳ" không trả thì càng sai, điều đó cho thấy Bộ này không sòng phẳng.

Thực hiện công khai, minh bạch sao phải lo tiêu cực?

Tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp sau gần 3 năm áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 theo hướng tăng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp được xác định theo chi phí lãi vay thuần.

Nhưng dự thảo sửa đổi vẫn còn một khúc mắc lớn liên quan đến việc hồi tố áp dụng cho năm tính thuế 2017 và 2018.

Tại dự thảo ban đầu, Bộ Tài chính đề xuất cho áp dụng hồi tố đối với năm 2017, 2018. Tuy nhiên sau đó, Bộ lại bất ngờ có ý kiến đề nghị Chính phủ không cho hồi tố. Mặc dù Bộ Tư pháp đã khẳng định, việc cho hồi tố là “không có vướng mắc về mặt pháp lý” và hầu hết các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu đồng ý cho hồi tố, Văn phòng Chính phủ đã gửi bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến thành viên Chính phủ để Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng, thì Bộ này kiên quyết “bảo lưu ý kiến không áp dụng hồi tố”.

Giải trình trong văn bản gửi Chính phủ mới đây nhất, Bộ Tài chính cho rằng "việc hồi tố có thể sẽ tạo cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không lọai trừ khả năng sẽ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện" hay "việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp, nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ dẫn đến tiêu cực".

Nhiều chuyên gia kinh tế và các luật sư đã phân tích và khẳng định việc áp dụng hồi tố với các năm 2017, 2018 là cần thiết, không có bất cứ vướng mắc nào và hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật, thông lệ và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp bị chịu ảnh hưởng bởi những bất cập trước đây. Đồng thời cho phép chuyển chi phí lãi vay không được được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm.

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: “Hiện nay, doanh nghiệp kiến nghị nhiều về việc sửa khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 và đặc biệt là đề nghị thực hiện hồi tố áp dụng đối với chi phí lãi vay không được trừ của doanh nghiệp trong các năm 2017, 2018 đối với các giao dịch liên kết. Đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và có thể thực hiện bằng bù trừ số thuế nộp từa do áp dụng hồi tố với nghĩa vụ thuế phát sinh trong tương lai. Chúng ta không phải lo ngại về những tiêu cực có thể nảy sinh trong thực hiện hồi tố khi việc này được thực hiện công khai, minh bạch dưới sự giám sát của xã hội, và thực hiện kiểm toán theo quy định”.

TS. Lộc cũng cho biết, theo khảo sát của VCCI, trên 80% doanh nghiệp nói rằng doanh thu của họ trong năm nay sẽ suy giảm so với năm ngoái. Do đó, lãnh đạo VCCI đề nghị, hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần khẩn trương và quyết liệt như chống dịch, và bảo vệ doanh nghiệp chính là bảo vệ đồng đội của mình trong cuộc chiến này. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi doanh nhân là một chiến sỹ trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Theo giới chuyên gia, khi doanh nghiệp bị tổn thương thì cả nền kinh tế ốm yếu, mà ốm thì cần thuốc, khi khỏi ốm doanh nghiệp sẽ tiếp tục lao động để tạo doanh thu và nộp về ngân sách. Đó là quy luật của vận hành trong bất kỳ nền kinh tế nào. Như vậy, việc đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý cho phép hồi tố giống như đã kê đơn thuốc, đưa ra loại vacxin để cứu chữa cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài và phức tạp. Song dường như đang có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, doanh nghiệp đã hấp hối rồi nhưng vẫn “bảo thủ” chưa đưa vắc-xin tới.

Giới chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính là cơ quan cầm túi tiền quốc gia, họ thấu hiểu sức khoẻ doanh nghiệp hơn ai hết, đáng lẽ ra họ phải là bên tham vấn cho Chính phủ tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp lúc này. Nhưng chỉ riêng việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, Bộ Tài chính mất gần 3 năm mới dám sửa, không những thế lại "chây ỳ", không muốn hồi tố trả lại công bằng cho doanh nghiệp.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Bộ Tài chính sợ rằng hỗ trợ doanh nghiệp thì thành tích thu ngân sách sẽ không còn nên tìm đủ lý do để trì hoãn, bất chấp đó là sự vô lý, gây sức ép lên vai doanh nghiệp? Chỉ với một điều khoản thiếu cân nhắc đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp mất đi gần 5.000 tỷ đồng nhưng các nỗ lực phản hồi, kiến nghị của các bên có thể chỉ dẫn đến sự thay đổi sau gần 3 năm và không được bồi hoàn? Câu trả lời vẫn đang đợi Bộ Tài chính giải đáp thuyết phục hơn.

Bộ Tài chính không sòng phẳng

Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm nay cả nước có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 12.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và có 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương cùng kỳ năm trước. Còn theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện từ ngày 17/2 - 26/3, có 35% doanh nghiệp cho rằng chỉ cầm cự được 3 tháng nếu dịch bệnh kéo dài và 38% doanh nghiệp cầm cự được 6 tháng...

Do đó, theo các chuyên gia, việc triển khai giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức để tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao. Trong đó, việc sửa đổi Nghị định 20, cho hồi tố lại số tiền gần 5.000 tỷ đồng là giải pháp hiệu quả nhất hỗ trợ ngay cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận định, khi đã sửa quy định vì áp đặt thiếu hợp lý thì cần sửa tận gốc, minh bạch với doanh nghiệp.

Trả lời với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nhận định: “Việc hồi tố mới là minh bạch”. Theo vị chuyên gia này, khi quyết toán, cơ quan thuế đã tính rõ những khoản phải nộp của doanh nghiệp và mọi thứ được lưu lại trong biên bản thuế. Bởi vậy, doanh nghiệp nếu trong diện bồi hoàn chỉ cần mang biên bản thuế tới cơ quan chức năng để được nhận lại số tiền chênh lệch.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu đã sửa trần lãi vay thì phải trả lại phần chênh cho doanh nghiệp. Phải xác định đây là thu sai chứ không phải nộp thừa. Thu sai rồi mà cố tình chây ỳ thì càng sai. Trong khi doanh nghiệp nộp thuế chậm thì bị phạt ngay, như thế là không sòng phẳng”.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM

Còn PGS. TS.Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng: “Nhà nước không phải xuất tiền ra trả lại ngay mà có thể cho phép doanh nghiệp khấu trừ dần trong các năm tới số tiền đã nộp dư thời gian qua. Đây là việc nên làm và cần làm ngay khi doanh nghiệp đã quá khó khăn vì dịch bệnh. Hơn nữa, trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp như giãn nộp thuế, cơ cấu lại nợ và thậm chí sắp tới sẽ còn nghiên cứu việc giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp thì việc cho hồi tố, trả lại tiền đã thu thừa của doanh nghiệp là giải pháp tiếp sức để cộng đồng này vượt qua khó khăn”.

Cũng theo LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích, theo quy định tại Khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau: “1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, các nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Như vậy, đây là trường hợp hồi tố có lợi cho doanh nghiệp, thuộc các trường hợp được phép theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

LS. Hà cho hay: “Việc điều chỉnh các văn bản pháp luật không nên máy móc mà cần dựa trên nhu cầu thực tế và tính cấp thiết để có những thay đổi phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, nhất là trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19”.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần xác định là lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp đã bị tước đoạt bởi nhiều doanh nghiệp đã phải nộp thêm tiền thuế lên đến vài chục hoặc vài trăm tỷ đồng. Quy định pháp luật sai thì nhất định phải sửa tận gốc.

Bộ Tài chính không nhất quán khi áp dụng chính sách pháp luật

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, việc hồi tố với nội dung tương tự cũng đã có tiền lệ khi vào năm 2014 Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do cam kết WTO cho các năm trước đó và khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy định này được Bộ tài chính hướng dẫn là khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau.

Hướng dẫn này của Bộ Tài chính tại thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với Luật Quản lý thuế (và hiện nay, các quy định này tại Luật Quản lý thuế không có gì thay đổi so với trước đó). Bên cạnh đó, Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 - 2014 đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận và Quốc hội phê chuẩn thông qua nhưng Bộ Tài chính vẫn quy định cho xử lý khoản chênh lệch lệch này được hoàn lại hoặc bù trừ. Thậm chí Bộ Tài chính còn cho phép điều chỉnh cả đối với các trường hợp doanh nghiệp đã hoặc chưa được kiểm tra, thanh tra thuế.

Năm 2016, Bộ Tài chính có công văn 4769/BTC-TCT ngày 07/04/2016 về việc chính sách thuế với hoạt động đầu tư thường xuyên. Bằng công văn hành chính để giải thích luật về khái niệm đầu tư thường xuyên, Bộ Tài chính vẫn cho phép các doanh nghiệp bị chịu tác động từ năm 2009 đến năm 2013 được phép kê khai điều chỉnh và được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định

Như vậy, việc không áp dụng hồi tố năm 2017, 2018 khi sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 mà Bộ Tài chính đưa ra với lý do NSNN đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế hay việc không vận dụng được Luật Quản lý thuế để hoàn nộp thừa trong trường hợp này là hoàn toàn không nhất quán trong việc xây dựng chính sách pháp luật.

VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc cho phép hồi tố

Ngày 6/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Tại kiến nghị số 24/2020/VNREA.VP, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, thời gian qua, VNREA đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi vay theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. Đặc biệt, gần đây nhất (ngày 16/3/2020), Hiệp hội đã có văn bản số 21/2020/VNREA.VP gửi Thủ tướng, về việc kiến nghị quy định hiệu lực hồi tố đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20.

Theo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, VNREA được biết, sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20 cho các kỳ tính thuế trước năm 2019.

VNREA cho rằng, quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định trong trường hợp này dường như đã “đi ngược lại” với lựa chọn của đa số thành viên Chính phủ, “không tiếp thu” ý kiến của Bộ Tư pháp (cho rằng việc áp dụng hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý) và cũng không phù hợp với báo cáo của chính Bộ Tài chính gửi Chính phủ, trong đó thừa nhận sự thiệt thòi (chính xác là thiệt hại) cho những doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Việc không quy định hiệu lực hồi tố của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho rất nhiều doanh nghiệp trong cả nước, với số tiền ước tính khoảng 4.975 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nêu trên, để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tạo động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, VNREA một lần nữa khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực “hồi tố” cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20, theo đó trần lãi vay 30% cần được áp dụng các các kỳ tính thuế năm 2017, 2018, 2019 đối với tất cả các doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp đã qua thanh tra, kiểm tra thuế hay chưa); cho phép doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định tại Nghị định 20 sang kỳ sau, thời gian chuyển có thể xem xét và 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với quy định về kỳ chuyển lỗ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top