Aa

Sửa đổi Nghị định 20: Thế nào cho hợp tình, hợp lý?

Chủ Nhật, 08/03/2020 - 06:10

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia cũng như kiến nghị của khối doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị đinh sửa đổi Khoản 3 Điều 8 NĐ 20, tuy nhiên "cuộc giải oan" này dường như chưa thấu đáo và triệt để.

Chia sẻ với Reatimes, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã có một số góc nhìn và quan điểm về khúc mắc trong dự thảo sửa đổi này.

PV: Thưa TS. Cấn Văn Lực, ông đánh giá thế nào về những điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 mà Bộ Tài chính mới trình Chính phủ?

TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, dự thảo lần này vẫn giữ nguyên mức chi phí lãi vay thuần trong kỳ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu không vượt quá 30% EBITDA năm 2019 (nâng lên từ mức 20% hiện nay) - là điều mà các doanh nghiệp Việt mong đợi. 

Tuy nhiên, còn 2 vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay là: (i) có cho phép hồi tố số tiền thuế đã nộp trong năm 2017 và 2018 hay không và (ii) có cho phép chuyển tiếp sang kỳ tính thuế tiếp theo hay không đối với phần chi phí lãi vay thuần đã không được trừ trong trường hợp doanh nghiệp có EBITDA âm (doanh nghiệp bị lỗ).

PV: Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có kiến nghị cho phép hồi tố áp dụng đối với năm 2017, 2018 để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao? Nếu như đề xuất này không được chấp thuận thì sẽ gây tác động thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Như tôi nêu trên, đây là vấn đề còn gây tranh cãi vì tính phức tạp của nó khi áp dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần cho phép hồi tố vì 2 lý do chính. 

Thứ nhất, thời điểm hiệu lực của Nghị định 20 là từ năm 2017, và doanh nghiệp đã không được khấu trừ phần chi phí lãi vay này khi tính thuế trong 2 năm (2017 và 2018), như vậy đã phải trả nhiều thuế hơn (có doanh nghiệp phải trả thêm vài chục thậm chí hàng trăm tỷ VND); điều này xem ra thiếu công bằng so với năm 2019 (năm dự kiến bắt đầu được tính theo tỷ lệ mới là 30%) và thiếu công bằng so với các doanh nghiệp khác. 

Thứ hai, về mặt kỹ thuật, việc hồi tố 2 năm đó cũng không phải là phức tạp, vì có thể trừ trực tiếp từ tiền nộp thuế năm 2019.

PV: Có một số ý kiến cho rằng nếu Nghị định sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 chỉ tăng trần lãi vay từ 20% lên 30%, không cho hồi tố thì chưa thực sự giải quyết thấu đáo và triệt để những tồn tại, khó khăn cho doanh nghiệp. Xin TS chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

TS. Cấn Văn Lực: Như tôi nêu trên, cơ bản là sẽ xảy ra tình trạng thiếu công bằng. Ngoài ra, điều đó còn thể hiện tính thiếu nhất quán áp dụng của cơ quan quản lý. Cũng có thể, nếu thực hiện hồi tố, sẽ giảm đi một khoản ngân sách đã được quyết toán. Nhưng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ không hẹp hòi điều đó khi mà hành động này thể hiện tính nhất quán trong chính sách, cũng là hỗ trợ một số doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 năm nay, và đó cũng là cách nuôi dưỡng niềm tin và nguồn thu.

PV: Nội dung sửa đổi cho phép chuyển tiếp chi phí lãi vay thuần không được trừ sang 5 năm kế tiếp được đánh giá là điểm đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi bởi đã quan tâm tới quyền lợi của những doanh nghiệp bị “chống chuyển giá” nhầm. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?

TS. Cấn Văn Lực: Đây là một nội dung khá quan trọng, thể hiện sự quan tâm toàn diện hơn đến doanh nghiệp nộp thuế (cả năm lãi và lỗ). Cho phép chuyển tiếp như vậy có thể sẽ đảm bảo công bằng hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm khá mới đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ, thấu đáo. 

Vì vậy, theo tôi, trong khi chờ đợi có được đánh giá đầy đủ như vậy (có tham khảo kinh nghiệm quốc tế) - việc này sẽ mất nhiều thời gian; để kịp thời áp dụng cho năm 2019, nên sửa Nghị định theo mức 30% và cho phép hồi tố như trên. Còn về việc cho phép chuyển tiếp, có thể sẽ đưa vào quy định chính thức khi Chính phủ sửa đổi toàn diện Nghị định 20 trong thời gian tới. Khi đó, Chính phủ cần yêu cầu rõ thời hạn sửa đổi toàn diện Nghị định 20 theo hướng càng sớm, càng tốt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top