Aa

Sửa đổi Thông tư 06: Giải quyết sở hữu chéo có bị ảnh hưởng?

Thứ Tư, 20/06/2018 - 06:00

Dự thảo thông tư sửa đổi nới thời hạn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn lên 30/6/2019 làm dấy lên lo ngại phải chăng sẽ có sự trì hoãn trong xử lý sở hữu chéo...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Điều đáng chú ý là dự thảo thông tư quy định trước ngày 30/06/2019, tổ chức tín dụng khác phối hợp với cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Trong khi đó, tại Thông tư 06/2015, NHNN quy định TCTD phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan tại TCTD phải tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp ngoại trừ theo quy định.

Thời hạn mới nêu trong dự thảo thông tư như trên dẫn đến một câu hỏi liên quan là phải chăng NHNN đang tìm cách trì hoãn thời hạn xử lý sở hữu chéo trong ngành ngân hàng (chuyển thời hạn từ 31/12/2015 sang thời hạn 30/06/2019)?

Câu trả lời là không. Bởi căn cứ để ban hành Thông tư 06/2015 là Luật Các tổ chức tín dụng 47/2010/QH12. Nhưng Luật các tổ chức tín dụng này đã được sửa đổi, bổ sung Bởi Luật số 17/2017/QH14 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành ngày 20/11/2017. Do đó, tất yếu là Thông tư 06/2015 cũng sẽ phải được sửa đổi tương ứng để hướng dẫn các quy định mới trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.

Một điều liên quan khác đến thời hạn mới nói trên là khoảng cách thời gian từ lúc Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực đến lúc thông tư hướng dẫn về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được rút ngắn lại đáng kể.

Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 nhưng phải đến tận tháng tháng 6/2015 thì Thông tư 06/2015 mới được ban hành (và có hiệu lực từ 15/7/2015). Trong khi đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành ngày 20/11/2017 (và có hiệu lực từ 15/1/2018) nhưng NHNN đã xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 06/2015 và nhắm đến ngày có hiệu lực của dự thảo này là ngày 30/6/2019, tức một năm rưỡi sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi và có hiệu lực.

Bên cạnh khả năng là "hiệu quả" làm việc của NHNN đã được cải thiện (!), việc rút ngắn thời hạn ban hành và thực thi thông tư hướng dẫn như trên có khả năng là do việc thi hành quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng đã trở nên dễ dàng hơn so với trước, không cần phải tốn quá nhiều thời gian chuyển tiếp.

Cụ thể hơn, dự thảo thông tư mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Thông tư 06/2015, có thêm đối tượng là các cổ đông lớn và người có liên quan sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 phát sinh trước ngày Luật sửa đổi này có hiệu lực thi hành.

Với những cổ đông lớn và người có liên quan được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng cũ (năm 2010) thì có thể hiểu là đã (và đang) được xử lý bởi các quy định hiện hành. Nói cách khác, số lượng vụ việc và khối lượng công việc phải xử lý theo dự thảo thông tư mới, nếu có, sẽ không nhiều, hoặc chỉ là một phần so với hiện tại, nên việc rút ngắn thời hạn xử lý là có cơ sở.

Tóm lại, việc soạn thảo và ban hành thông tư mới thay thế Thông tư 06/2015 chắc chắn không phải là một bước lùi trong việc xử lý sở hữu chéo tại các TCTD, mà chỉ đơn giản là một hành động cần thiết để hướng dẫn thi hành các quy định mới khi Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung, liên quan đến sở hữu chéo.

Tuy vậy, do Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn liên quan đến sở hữu chéo nên có thể tin rằng việc cho ra đời một thông tư mới thay thế Thông tư 06/2015 cũng là một bước tiến mới và cần thiết trong việc khắc phục và phòng chống nạn sở hữu chéo tràn lan trong hệ thống ngân hàng, góp phần cải thiện sức khỏe và tính bền vững của các TCTD trong tương lai.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng sở hữu chéo thể hiện trên sổ sách chỉ là một phần của tảng băng nổi nên sửa đổi và ban hành các văn bản luật và dưới luật cũng chỉ là một điều kiện cần trong công cuộc xử lý sở hữu chéo ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top