Sáng nay 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và xử lý các ngân hàng yếu kém, sở hữu chéo, nợ xấu trong hệ thống.
Theo thống đốc, việc điều hành tỷ giá đối với các NHTW thế giới là vô cùng khó khăn. Ở Việt Nam, điều hành còn khó khăn hơn vì phải liên quan đến nhiều yếu tố như đảm bảo về lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, và đặc biệt là tâm lý kỳ vọng.
"Thời gian qua việc điều hành đã đạt được kết quả rất thành công là neo giữ được tâm lý kỳ vọng vào biến động tỷ giá" - Thống đốc nói.
Tư lệnh ngành ngân hàng nói thêm rằng, chúng ta đang điều hành tỷ giá rất linh hoạt theo cơ cấu tỷ giá trung tâm dựa theo mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong từng thời kỳ và biến động thị trường. Từ khi áp dụng chính sách tỷ giá mới là tháng 1/2016 tới nay, diễn biến tỷ giá và ngoại hối rất tích cực. Năm 2016 đã mua vào hơn 9 tỷ USD cho ngoại hối, trong 6 tháng đầu năm dù nhập siêu nhưng vẫn tiếp tục mua vào và từ đầu năm tới nay đã mua được 7 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên hơn 46 tỷ USD - con số cao kỷ lục.
Việc tỷ giá ổn định, theo Thống đốc, đã làm tăng niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó hút thêm vốn đầu tư. Và nhờ ổn định tỷ giá, xuất khẩu đã tăng mạnh, trong 10 tháng đã xuất siêu 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng nhận thức được rằng điều hành tỷ giá và các chính sách khác đều phải chủ động để đối phó được những tác động bất ngờ từ khu vực và thế giới. "Nhưng với quy mô dự trữ ngoại hối và các chính sách hiện nay về tiền tệ, tỷ giá, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đối phó được" - ông Hưng nói.
Về sở hữu chéo, theo Thống đốc, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập…đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn. Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh.
Đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở ngân hàng. Số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% nay chỉ còn 4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012.
Nhưng, Thống đốc nói thêm rằng, sở hữu chéo khó xử lý với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, việc này rất tinh vi và sai phạm nên thanh tra phải kỹ lưỡng, hoặc qua thanh tra mới phát hiện ra.
Nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...
"Để khắc phục sở hữu chéo, tại luật TCTD sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi đã có quy định kỹ lưỡng về cổ đông lớn và người liên quan để xác định cổ đông thực, rồi chặt chẽ quy định về chức danh chủ tịch HĐQT, HĐ thành viên và Ban điều hành; các quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng; các quy định về góp vốn cũng rõ ràng hơn.... Nếu được quốc hội thông qua thì việc xử lý sở hữu chéo sẽ được xử lý triệt để hơn, minh bạch hơn".
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng này, chúng tôi cũng thanh tra các hoạt động của tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về sở hữu cổ phần cổ phiếu, chỉ đạo các TCTD phải xây dựng cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong đó có lộ trình xử lý các vi phạm về sở hữu.
Liên quan đến câu hỏi của một đại biểu về nợ xấu thực hiện nay là bao nhiêu, liệu có vênh so với số liệu của Ủy ban kinh tế hay không, theo Thống đốc, số liệu nợ xấu cập nhật cho thấy cuối tháng 9/2017 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,34%, giảm so với 2,46% cuối năm 2016. Nhưng đánh giá thận trọng nợ xấu tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC và nợ nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng cuối tháng 9 là khoảng 566 ngàn tỷ, đã giảm 600 nghìn tỷ so với cuối năm 2016. Xét về tỷ lệ, nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý đang chiếm 8,61%, giảm so với 10,08% so với cuối năm 2016.