Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, 2 trong số các dự thảo luật mà Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Đây là 2 dự thảo luật do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng.
Theo đó, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn trong sửa đổi luật.
Đó là các nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Còn mục đích của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu là nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, khi xây dựng dự thảo 2 luật này, trong các tờ trình và báo cáo của Bộ HD&ĐT đều khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy và cách tiếp cận. Tư duy làm luật lần này đột phá hơn nhiều so với các lần trước.
Ngoài ra, thiết kế các quy định của luật lần này cởi mở, kiến tạo phát triển. "Tư duy kiến tạo này không dễ chút nào bởi vì vừa phải cởi mở, vừa kiến tạo phát triển nhưng vẫn phải quản lý được", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phương, lần này trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cụ thể hóa được những tư tưởng lớn trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó phân cấp phân quyền được thể hiện rõ nét. Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong phân cấp là phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư từ HĐND sang Chủ tịch UBND. Có 2 luồng ý kiến, một bên ủng hộ phân cấp với ý nghĩa phân cấp tăng cường trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp; một bên không đồng tình khi viện dẫn Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thẩm quyền của HĐND có quyền quyết định những việc quan trọng của địa phương, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, luật mới đã tháo gỡ được một phần "nút thắt" vốn nhức nhối bao lâu nay, đó là vốn chờ dự án, có tiền mà không giải ngân được.
"Lần này, Luật mới tháo được mấy điểm. Điểm thứ nhất là sử dụng vốn thường xuyên để chuẩn bị đầu tư, tức là có thể chuẩn bị đầu tư bất kỳ lúc nào. Khía cạnh thứ 2 là khắc phục được tình trạng "phê duyệt dự án mà không có tiền", theo đó giải pháp là phải "nới room" kế hoạch trung hạn và có thể nới được 50% kế hoạch trung hạn năm sau, lúc ấy dự án sẵn sàng và tiền cho dự án cũng sẽ có nhanh hơn", theo ông Trần Quốc Phương.
Ngoài ra, điểm mới và cũng là điểm đột phá của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là khắc phục được một phần tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám làm của một số cán bộ khi xác định rõ thẩm quyền và quy trình thực hiện.
Cũng theo ông Phương, nhiều quy định tại 2 dự án luật mới sẽ tháo gỡ ngay những ách tắc thực tiễn, điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Việc sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Còn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay một vướng mắc trong thực tiễn đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc; tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu…