Aa

Sửa Luật Thủ đô: Đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt

Thứ Năm, 30/05/2024 - 15:24

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, cần chú trọng đầu tư và phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt.

Tạo thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP. Hà Nội) khẳng định, sửa đổi Luật Thủ đô lần này, không chỉ có Đoàn đại biểu của Hà Nội mà cử tri, người dân Thủ đô cũng kỳ vọng rất nhiều, tâm huyết, trách nhiệm khi tham gia góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Mong muốn của cử tri là Luật này sẽ tạo thể chế cho Thủ đô có những bước đột phá để phát triển.

Sửa Luật Thủ đô: Đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt- Ảnh 1.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn TP. Hà Nội) khẳng định, cần có những chính sách đặc thù đặc biệt tạo bước đột phá để Thủ đô là đầu tàu thúc đẩy cả nước phát triển

Thủ đô là trung tâm văn hóa chính trị của cả đất nước, tất cả những gì tốt nhất phải dành cho Thủ đô vì đây là bộ mặt của quốc gia. Thủ đô của chúng ta có hơn 1000 năm lịch sử, có rất nhiều tiềm năng lợi thế. Do vậy, cần có những chính sách đặc thù đặc biệt tạo bước đột phá để Thủ đô là đầu tàu thúc đẩy cả nước phát triển.

Trong Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thể hiện vai trò hạt nhân của khu công nghệ cao đối với việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Đồng thời, cũng là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi sau khi Bộ Khoa học & Công nghệ chuyển giao khu công nghệ này cho UBND TP. Hà Nội quản lý.

Hồ sơ Dự thảo Luật chuẩn bị rất công phu, đầy đủ

Đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) cho rằng, hồ sơ Dự thảo Luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sửa Luật Thủ đô: Đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt- Ảnh 2.

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn tỉnh Nam Định) cho rằng, hồ sơ Dự thảo Luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ

Cùng đó, Dự thảo Luật đã thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại các Nghị quyết và đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.

“Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, cần chú trọng đầu tư và phát triển thành phố Hà Nội như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị”, đại biểu Khương Thị Mai nêu quan điểm.

Sửa Luật Thủ đô: Đầu tư, phát triển Hà Nội như một đô thị đặc biệt- Ảnh 3.

Theo đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP.HCM), Hà Nội là Thủ đô, nên nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù riêng để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính đóng vai trò, vị trí Thủ đô

Tham khảo kinh nghiệm xây dựng “thành phố trong thành phố”

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP.HCM) cho hay, mỗi một địa phương có những đặc điểm rất riêng. Ngoài Hà Nội, TP.HCM, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét về cơ chế đặc thù cho thêm các địa phương khác như Đà Nẵng, Nghệ An. Cơ chế đặc thù cho mỗi địa phương sẽ khác nhau, phù hợp với các điều kiện về đất đai, môi trường, khí hậu, dân số… của mỗi nơi.

Đặc biệt với Hà Nội là Thủ đô, có đặc trưng không có tỉnh, thành nào có được nên nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù riêng để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính đóng vai trò, vị trí Thủ đô.

Về mô hình “thành phố trong thành phố” tại Dự thảo Luật Thủ đô, hiện nay, các địa phương có mô hình thành phố trong tỉnh, còn mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên là TP. Thủ Đức của TP.HCM.

“Với Hà Nội, tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình này, chỉ lưu ý quá trình thực hiện cần cân nhắc lộ trình cụ thể... Từ kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố, Hà Nội đưa ra được những đề xuất cụ thể, giúp mô hình mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai”, đại biểu Trần Kim Yến đề xuất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top