Aa

Sửa Nghị định 65: Cổ phiếu bất động sản có “tan băng“?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 13/02/2023 - 06:09

Việc sửa đổi Nghị định 65 về TPDN được kỳ vọng sẽ đem lại tác động tích cực không chỉ cho thị trường này mà cả các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu. Trong đó, nhóm BĐS hứa hẹn có thêm cú hích phá "tan băng".

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiêng về phương án lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lại 1 năm, chuyển từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cho phép lùi thời gian thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 thay vì từ 1/1/2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Theo giới phân tích, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu khi áp lực trả nợ giảm đi, bởi thời gian vừa qua với bối cảnh thắt chặt các khoản vay ngân hàng, thị trường trái phiếu "chao đảo" và bán hàng trầm lắng, dòng tiền của nhiều nhà phát triển bất động sản đang dần cạn kiệt. Tất cả những điều này khiến khả năng thanh toán ngắn hạn của các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều thách thức.

Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành trong rổ VN30 có cơ cấu nguồn vốn gắn với trái phiếu cũng giảm mạnh. Thị trường ghi nhận, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản nhà ở giảm giá 53,8% vào năm 2022, thấp hơn so với mức giảm 21% so với kết quả của VN-Index. Các mã cổ phiếu ghi nhận kết quả kém tích cực nhất bao gồm: HPX giảm 86,2% so với đầu năm; NVL giảm 84,6%; PDR giảm 80,5%; và DIG giảm 82%.

Cổ phiếu bất động sản vẫn đang đợi cú hích từ việc sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: IT)

Trong khi đó, VIC và VHM - những mã có vốn hóa thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành, cũng ghi nhận kết quả thấp hơn đáng kể so với VN-Index lần lượt giảm 43% và 37,5%. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khác cũng giảm từ 40 - 80% so với đầu năm 2022. Mới đây nhất, nhóm cổ phiếu CEO, DIG, DXG... tiếp tục chạm đáy trong những tháng đầu năm 2023.

Do đó, một khi Nghị định 65 được sửa đổi, thị trường và nhà đầu tư kỳ vọng sẽ cởi trói nút thắt vướng mắc cho thị trường trái phiếu, kéo theo cổ phiếu nhóm bất động sản thăng hoa.

Trao đổi với Reatimes về những đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng: "Nếu những đề xuất sửa đổi tại Nghị định 65 được thông qua sẽ tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và qua đó sẽ ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt của các doanh nghiệp bất động sản".

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần FIDT. (Ảnh: NVCC)

Ông Tuấn cho rằng, việc giãn thời gian áp dụng quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến 1/1/2024 là điều tích cực cho thị trường.

"Khi Nghị định 65 có hiệu lực đã làm giảm số lượng nhà đầu tư tham gia, khiến giảm lượng cầu. Đồng thời, thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới", ông Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc giải quyết bài toán trái phiếu doanh nghiệp không thể dựa vào một giải pháp và "một sớm một chiều". Để giải quyết được vấn đề của nhóm cổ phiếu và ngành bất động sản thì còn cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc cấp room tín dụng. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp bất động sản làm ăn có lãi trở lại, trả nợ và giải quyết tận gốc các vấn đề trái phiếu, có như vậy mới kích thích thanh khoản thị trường và theo đó dòng tiền cũng sẽ tham gia bắt đáy nhóm cổ phiếu bất động sản.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, nội dung của dự thảo sửa đổi Nghị định số 65 trước mắt sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp áp lực trái phiếu đến hạn trả nợ, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đây là lối mở cho các doanh nghiệp nhóm này khi có thể ưu tiên xử lý các nghĩa vụ trả nợ đáo hạn và/hoặc gia hạn nợ.

Ông Minh phân tích, áp lực nợ đáo hạn được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi hiệu ứng đổ vỡ "domino". Thậm chí, theo dự thảo, các khoản nợ có thể xử lý thông qua dàn xếp bổ sung tài sản thế chấp, hoán đổi các tài sản có giá trị hơn… Với độ mở của các quy định tại dự thảo, ông Minh kỳ vọng sẽ mở đường cho các tổ chức phát hành có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho các tổ chức khác.

Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đang chịu quá nhiều áp lực giảm giá nhưng nếu xét về dài hạn, bất động sản vẫn là ngành tiềm năng, có cơ hội tăng trưởng tốt. Ngay với các doanh nghiệp chịu áp lực đáo hạn trái phiếu cũng không đáng lo. Các doanh nghiệp này đều ghi nhận giá trị bán hàng mở mới lớn và khả năng huy động vốn từ nước ngoài thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi. Do đó, khả năng cân đối dòng tiền và việc trả nợ vay là khả thi.

Theo quan điểm của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, Nghị định 65 đưa ra cách quản lý theo hướng thắt quá chặt, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo… nếu không chỉnh sửa kịp thời, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu trong năm 2023.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, điều quan trọng nhất là cần có giải pháp chỉnh sửa Nghị định 65 cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Khi thị trường trái phiếu "dễ thở" hơn, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hưởng lợi và dần tăng giá như kỳ vọng của các nhà đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top