Ông Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng khẳng định như vậy bên lề Hội thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả - Đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất nội dung bổ sung, sửa đổi”. Hội thảo do Bộ Xây dựng (BXD) phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – Ngân hàng thế giới phối hợp tổ chức ngày 14/12/2016.
Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2013/BXD thay thế Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2005 “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả” được ban hành theo Quyết định số 40/2005/QĐ- BXD ngày 17/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2013/BXD được sự tham gia nghiên cứu và góp ý của các chuyên gia quốc tế do các tổ chức quốc tế tài trợ, bao gồm: Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Năng lượng Đan Mạch.
Hiệu quả thực hiện quy chuẩn rất thấp
Sau 3 năm áp dụng, việc thực hiện Quy chuẩn Kỹ thuật công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Phần lớn chủ đầu tư chưa có thông tin và quan tâm đến hiệu quả năng lượng thông qua giải pháp thiết kế xây dựng. Hệ thống kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn (kiểm soát chất lượng) của nhà thầu tư vấn thiết kế và xây dựng chưa hoặc không hiệu quả. Trong khi, công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chủ yếu tập trung vào các quy định về quy hoạch, kiến trúc và an toàn chịu lực của công trình, an tòa môi trường, an toàn cháy, nổ.
Theo kết quả điều tra của BXD và IFC, số lượng các công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn chiếm trung bình khoảng 10% (thẩm tra thiết kế công trình xây dựng); có 9/41 tỉnh không có công trình có diện tích sàn trên 2.500m2, chiếm 22%. Kết quả thẩm tra cũng cho thấy sự tuân thủ quy chuẩn đối với vỏ công trình đạt 25,4%; chiếu sáng thực hiện được 21,1%; thông gió và điều hòa không khí đạt 11,3%; sử dụng điện năng đạt 9,9%; thang máy, thang cuốn đạt 8,5% và hệ thống đun nước nóng đạt 4,2%.
Riêng tại các sở xây dựng có 27/41 (chiếm 65,9%) đã áp dụng QCVN 09:2013/BXD vào thực hiện thẩm tra thiết kế. Các tỉnh khác chưa có công trình thuộc phạm vi điều chỉnh. Thực tế mới có 3 sở xây dựng kiểm soát tất cả các quy định của quy chuẩn.
Trước thực trạng trên, ban soạn thảo quy chuẩn tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ các bên nhằm sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2012/BXD hoàn chỉnh và thực tế hơn. Tại hội thảo, các ý kiến đưa ra chủ yếu xoay quanh chi phí xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây dựng cho công trình, đối tượng áp dụng thực hiện quy chuẩn, chi phí xây dựng,...
Dưới góc nhìn của chủ đầu tư dự án xây dựng – đối tượng áp dụng trực tiếp quy chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng, quy chuẩn không chỉ cần đơn giản mà nên có tính thị trường hơn. Ông Trịnh Tùng Bách, Quản lý phát triển công trình xanh Công ty Nhà Thủ Đô (Capital House) cho biết: "Công ty đã áp dụng quy chuẩn tiết kiệm năng lượng tại nhiều dự án nhà ở, bao gồm: phân khúc nhà ở xã hội 14tr/m2, nhà ở trung bình dưới 25 triệu/m2 và nhà ở cao cấp trên 25 triệu/m2.
Sau hai năm sử dụng vỏ công trình tiết kiệm năng lượng thì dự án bị nứt vỏ bọc khiến chi phí giải quyết hậu quả cao hơn tiền mua gạch. Ngoài ra, việc này khiến cho doanh nghiệp mất uy tín đối với khách hàng. Do đó, các dự án sau đó của công ty phải quay về dùng gạch nung vì chưa tìm được nhà cung cấp đảm bảo về vấn đề gặp phải. Hơn nữa, loại kính theo quy chuẩn đưa ra cũng rất khó kiếm trên thị trường do các chỉ số thực tiễn và quy chuẩn mâu thuẫn với nhau. Trong khi, hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ theo quy chuẩn yêu cầu chi phí rất cao, mà lợi ích sử dụng chỉ đem lại cho người dân, không cho chủ đầu tư".
Theo đó, đại diện Capital House cho rằng, tính phổ biến và tính khả thi của quy chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng vẫn là dấu hỏi đối với chủ đầu tư. Thứ nữa là lợi ích của việc đầu tư công trình xanh chưa rõ ràng trong cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Do đó, doanh nghiệp mong muốn quy chuẩn cần có tính thực tiễn và thị trường hơn. Chủ đầu tư cũng mong muốn có cơ quan chủ quản cung cấp danh sách những nhà cung cấp vật liệu đạt tiêu chuẩn định hướng.
Liên quan đến chi phí đầu tư, chuyên gia tư vấn cao cấp trong lĩnh vực thiết kế công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng của IFC khẳng định, tại nhiều quốc gia, chi phí đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng không quá 10%, trong năng lượng tiết kiệm được gần một nửa so với công trình xây dựng bình thường. Do đó thời gian hoàn vốn rất nhanh. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, cần phản ánh sự thay đổi của thị trường (công nghệ, giá thành) vào quy chuẩn sửa đổi.
Trong khi ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Công trình Xanh Vilandco cho rằng, chủ đầu tư rất có lợi khi xây dựng công trình dạng tiết kiệm năng lượng. Chi phí bỏ ra đầu tư không nhiều nên có thể hoàn vốn trong vài năm, tối đa đến 7 năm. Tuy nhiên, lý do mà nhiều chủ đầu tư ngại tìm hiểu và ngại làm vì có tâm lý nhìn lợi nhuận trước mắt mà chưa có tầm nhìn lâu dài.
Sẽ sửa theo hướng có lợi cho chủ đầu tư
Khẳng định với Reatimes về định hướng sửa đổi quy chuẩn, ông Nguyễn Trung Thành cho biết, cấu trúc quy chuẩn sẽ vẫn giữ nguyên và nội dung cơ bản cũng không thay đổi. Tuy nhiên, bản sửa đổi sẽ làm cho quy chuẩn ngắn lại. Những phần người thực hiện phải tính toán sẽ được chuyển thành các bản tra để không mất thời gian. Thứ nữa, quy chuẩn mới sẽ cập nhật yếu tố các vùng miền, vật liệu phù hợp để có thể áp dụng rộng rãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
“Quy chuẩn 2013 đã đưa ra những yêu cầu tối thiểu khi xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và không làm chủ đầu tư tốn thêm chi phí. Mục đích giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng. Trường hợp capital House tốn chi phí xây dựng là do công ty hướng tới mục tiêu cao hơn đó là công trình xanh. Với công trình xanh thì ngoài việc tiết kiệm năng lượng còn có các yêu cầu khác nữa phải đáp ứng. Trong khi để đáp ứng được những yếu tố của công trình xanh, công ty cần có sự đầu tư lớn hơn.
Riêng đối với công trình tiết kiệm năng lượng, chủ đầu tư bỏ ra khoảng hoảng từ 2-5% chi phí, nhưng thu nhiều lợi ích lớn. Đặc biệt thời gian hồi vốn cũng chỉ khoảng từ 2-5 năm, trong khi đó vòng đời của công trình kéo dài hàng trăm năm”, ông Thành cho biết.
Về mặt cơ chế chính sách, ông Hòa thừa nhận thực tế rằng Nhà nước hiện tại chưa có đầy đủ cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư. Hiện, BXD cũng đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn các hoạt động đánh giá công trình xanh. Theo đó, Bộ kiến nghị một loạt cơ chế chính sách hướng dẫn đánh giá, đặc biệt vấn đề thuế và ưu đãi khách để chỗ trợ chủ đầu tư làm công trình xanh.
Cũng theo ông Hòa, Quy chuẩn cũng không có ý định đưa ra danh mục vật tư cụ thể như theo gợi ý của nhiều chủ đầu tư vì quy định pháp luật không được phép. Quy chuẩn chỉ đưa ra quy định về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật. Các nhà cung ứng sản phẩm sẽ căn cứ vào đó để sản xuất vật liệu phù hợp với thị trường.
Về mặt nguyên tắc thì 100% các công trình trong phạm vi quy định yêu cầu phải thực hiện quy chuẩn. Tuy nhiên, gần 70% công trình không tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn đưa ra. Đây là điều đáng tiếc nên khắc phục, trong đó trước tiền cần phải thay đổi nhận thức và năng lực của chủ đầu tư. Việc phát triển công trình xanh là do ý thức tự nguyện của doanh nghiệp dưới sự khuyến khích của Chính phủ.